Jakarta và Washington trong những năm qua đã duy trì và phát triển quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Mối quan hệ này đã được đẩy mạnh sau khi 2 nước thành lập nhóm làm việc chung về an ninh trong khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện được ký kết hồi năm 2010 dưới thời cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono.
Tuy nhiên trong năm 2014, các quan chức từ cả 2 nước đều nhấn mạnh nhu cầu cần phải nâng cấp và mở rộng hợp tác quốc phòng song phương. Trong bài phát biểu tại Hội Mỹ - Indonesia tại Washington hồi tháng trước, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi tiếp tục nhấn mạnh hợp tác quốc phòng Mỹ - Indonesia cần phải được thực hiện có chiến lược và toàn diện hơn.
Trong những nỗ lực nhằm hướng tới mục tiêu nói trên, các nguồn tin thân cận với những người chịu trách nhiệm lập kế hoạch cho chuyến thăm của ông Jokowi tới Mỹ từ ngày 25 tới 28/10 tới đây cho biết, 2 nước sẽ ra một thông cáo chung, trong đó vạch rõ các lĩnh vực hợp tác an ninh và quốc phòng giữa 2 nước trong tương lai và ký một biên bản ghi nhớ mới tập trung vào lĩnh vực hàng hải.
Trong đó, tuyên bố chung về hợp tác an ninh và quốc phòng của 2 nước được đưa ra nhằm nâng cấp quan hệ quốc phòng lên một cấp độ cao hơn. Một nguồn tin giấu tên cho hay, tuyên bố này sẽ bao gồm 6 lĩnh vực, bao trùm các vấn đề như hợp tác hàng hải, các thách thức xuyên quốc gia, cứu trợ thiên tai và gìn giữ hòa bình.
Các nhà phân tích cho rằng, tuyên bố chung này sẽ mở ra các cơ hội mới để Mỹ và Indonesia hợp tác sản xuất và hợp tác phát triển công nghệ quốc phòng cũng như chuyển giao công nghệ - vốn là những ưu tiên đã được Ngoại trưởng Marsudi vạch ra trong bài phát biểu tại Mỹ.
Về việc ký kết Biên bản ghi nhớ mới về an ninh hàng hải, The Diplomat cho rằng đây không chỉ là sự công nhận những thách thức khu vực trong lĩnh vực hàng hải vốn quan trọng với cả 2 nước như các vấn đề liên quan đến biển Đông mà còn là bước hiện thực hóa tầm nhìn hàng hải của ông Jokowi trong việc đưa Indonesia trở thành một điểm tựa hàng hải toàn cầu, nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Một trong những điểm nhấn của Biên bản ghi nhớ này sẽ là các nỗ lực để tăng cường hợp tác bảo vệ bờ biển giữa lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ với Cơ quan An ninh hàng hải Indonesia nhằm tăng cường hơn nữa vai trò của cơ quan này trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến điều phối hàng hải của Indonesia.
Ngoài ra, Biên bản ghi nhớ này được dự báo cũng sẽ đề cập đến một số lĩnh vực khác, trong đó có phòng vệ biển, quản lý nhân lực hàng hải, hệ thống cơ sở hạ tầng hàng hải và an toàn hàng hải.
Theo The Diplomat, những vấn đề được nêu nói trên hoàn toàn phù hợp với 5 trụ cột mà ông Jokowi đã vạch ra trong chiến lược hàng hải của mình, bao gồm: xây dựng lại nền văn hóa biển của Indonesia, duy trì và quản lý các nguồn lực hàng hải của nước này, phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối hàng hải, thúc đẩy ngoại giao hàng hải và tăng cường các nguồn lực phòng vệ trên biển của nước này./.