Con bị điểm kém, Mỹ Linh không rầy la, được điểm tốt cũng khen ngợi vừa phải. Với cô ca sĩ đang là mẹ của 3 đứa con, điểm số không phản ánh toàn bộ đời sống của đứa trẻ.
Giàu mới ở ngoại ô?
Sống ở ngoại ô Sóc Sơn, cách Hà Nội 32 km, Linh và nhạc sĩ Anh Quân cùng các con không gặp khó khăn gì. Cuộc sống bỗng nhiên trở nên rất khác, không thể ngờ Mỹ Linh lại hài lòng như vậy.
"Linh chạy khỏi Hà Nội vì nơi này đã quá đông đúc, chật chội, bụi bặm. Môi trường quá ít cây xanh, không có không khí sạch để thở, nước sạch thiếu. Nói chung, điều kiện để sống một cuộc sống bình thường là không có", Mỹ Linh cho biết nguyên nhân vì sao cô và gia đình bán nhà ở trung tâm thành phố để về ở Sóc Sơn.
|
Linh cho biết, cũng phải có điều kiện kinh tế mới làm được như vậy, tuy nhiên đó không phải là điều kiện tiên quyết. "Quan trọng nhất là phải thích, mình có thích thì mới tìm cách để giải quyết vấn đề. Linh không phải đi làm như những người làm hành chính, sáng 7, 8 giờ có mặt, chiều 4, 5 giờ về mà chỉ đi lưu diễn hoặc cùng Anh Quân làm việc ở phòng thu tại nhà".
Mỗi tuần, Linh đưa các con đi học hai ngày ở trường quốc tế trên Hà Nội, những ngày còn lại có lái xe chở các con đi học. Từ nhà đến trường, mất hơn một tiếng đồng hồ, trong thời gian đó các con Linh có thể ngủ hoặc học bài, nghe nhạc. Xe ô tô cũng giống như ngôi nhà thứ hai của các cháu.
Mỹ Linh cho biết cô không thích ngồi quán cà phê hay đi mua sắm, mà thích làm vườn. Trước đây ở Hà Nội, Linh và gia đình cũng ít có nhu cầu đi siêu thị, đến trung tâm mua sắm ồn ào. Trên mảnh đất mới ở Sóc Sơn, Linh mua sách về học làm vườn, trồng rau sạch, trồng cây ăn quả và cây cảnh. Các con Linh thư giãn bằng cách cùng Anh Quân chăm sóc chó, chơi cầu lông, đá bóng, bơi lội ở bể bơi của gia đình.
"Sao người ta khổ thế?"
Cái được nhất đối với Linh là con cái đã tự lập hơn, có kỷ luật và bớt ích kỷ. Buổi sáng chúng phải dậy sớm chuẩn bị đi học, nhiều việc phải tự làm lấy mà không có ai làm hộ, phải tự chăm sóc các con vật và chia sẻ với cuộc sống của người dân nghèo hơn sống gần đó.
Linh bảo, trẻ con ở Hà Nội thiếu sự cân bằng và đời sống quá công nghiệp. Ngày nhỏ, Linh còn được đi dã ngoại hoặc đi làm công ích, được tiếp xúc với thiên nhiên nhiều hơn. Bây giờ điều đó hiếm và khó khăn hơn nhiều.
Với mình, quan trọng là các con biết rung động với cuộc sống, biết đời sống cái gì là quý nhất chứ không phải là điểm số.
Linh đã hỏi các nhà tâm lý và được biết: nếu trẻ ít tiếp xúc với thiên nhiên, suốt ngày tiếp xúc với máy móc thì sẽ vị kỷ và chỉ quan tâm đến đời sống vật chất. Những đứa trẻ vị kỷ sau này sẽ rất khó khăn trong đời sống hôn nhân vì không biết cảm thông với người khác.
Khi về Sóc Sơn, Linh đã khuyến khích Anna dạy tiếng Anh cho trẻ con ở gần đó, vì Anna học trường quốc tế nên tiếng Anh rất giỏi. Linh bảo không thích sống ở đâu cũng chỉ biết có nhà mình mà trái lại, muốn cho mọi thứ ở xung quanh tốt lên.
Hơn một năm sống ở Sóc Sơn, Linh thấy con mình thay đổi rõ rệt. Một lần đi Đà Nẵng, Mỹ Anh, con gái Linh đã không ăn được khi nhìn thấy một cụ già nhặt phế liệu. Bé hỏi: Tại sao mình ăn nhiều thế mà người kia lại khổ thế? " Anh Quân đã nói với Mỹ Linh: Cuộc đời mình sinh ra được đứa con mà biết thương người như vậy thì đó là cái quý giá nhất.
Khi hỏi về kết quả học tập của các con như thế nào sau một năm sống ở ngoại ô, Linh trả lời: Với mình, quan trọng là các con biết rung động với cuộc sống, biết đời sống cái gì là quý nhất chứ không phải là điểm số. Nếu con bị điểm kém, không bao giờ Linh rầy la, được điểm tốt cũng khen ngợi vừa phải, vì điểm số không phản ánh toàn bộ đời sống của một đứa trẻ. Quan trọng là chúng biết thương yêu mọi người.
Mỹ Linh không ngờ từ ngày chuyển nhà về Sóc Sơn, bạn bè và người thân đến chơi nhiều hơn. Cuối tuần, con cái của bạn bè trong ban nhạc về chơi với con Linh. Bạn bè của Anh Quân, Mỹ Linh, của bố mẹ chồng thường xuyên tới chơi cuối tuần. Những dịp như vậy, cả nhà thường tổ chức làm bún chả, bún nem, nướng thịt, làm sushi, rất vui.