Mỹ sản xuất vũ khí như trong phim hành động

(PLO) - Trong tương lai gần, một số loại vũ khí của Hải quân Mỹ giống như vừa "vay mượn" từ phim "Star Wars" của Hollywood, với pháo laser được thiết kế để bắn hạ máy bay không người lái và súng điện từ có thể phóng ra các viên đạn với tốc độ siêu thanh. 
Hệ thống pháo laser LWS của Hải quân Mỹ
Pháo bắn nhanh như ánh sáng
Hãng tin AP cho biết Hải quân Mỹ đã có kế hoạch triển khai pháo laser trên tàu chiến vào cuối năm nay và sẽ tiếp tục thử nghiệm một khẩu pháo điện từ trên một con tàu khác trong 2 năm tới. 
"Các vũ khí này thay đổi cơ bản cách chúng tôi chiến đấu" - Đại úy Mike Ziv, giám đốc chương trình hệ thống vũ khí điện tử và năng lượng trực tiếp của Bộ Tư lệnh Các hệ thống Biển của Hải quân, cho biết.
Ông tiết lộ rằng công nghệ laser của Hải quân đã phát triển mạnh tới mức một mẫu pháo thử nghiệm đã có thể được triển khai trên tàu USS Ponce vào mùa Hè này và người ta chỉ cần một thủy thủ duy nhất điều khiển nó.
Hệ thống Vũ khí Laser thể rắn (LWS) được thiết kế để bắt bám và tiêu diệt các mục tiêu được Hải quân gọi là "đe dọa không đối xứng". Chúng gồm máy bay không người lái, xuồng cao tốc và nhiều xuồng hạng nhỏ cùng lao vào tấn công. Đây đều là những nguy cơ mà tàu Ponce phải đối mặt khi nó được triển khai tới Vịnh Ba Tư.
Giống như trong phim, các chùm tia laser bắn đi từ pháo LWS của Hải quân có thể thiêu cháy một mục tiêu hoặc các cảm biến điện tử nhạy cảm gắn trên mục tiêu. Điều duy nhất không giống trong phim là laser vô hình trước mắt người nên người ta chẳng thấy gì khi khẩu pháo hoạt động. "Anh sẽ thấy mục tiêu nhận tác động do laser gây ra, nhưng anh sẽ không thể nhìn thấy dòng laser" - Ziv nói.
Theo ông các nước khác cũng đang phát triển vũ khí laser của mình, nhưng Hải quân đã hiện đại hơn, đi trước họ. Phần lớn các nước đang phát triển vũ khí laser rất sốc khi biết Hải quân Mỹ đã tiến tới điểm sẵn sàng để triển khai trên tàu chiến. 
Trong khi đó pháo điện từ đang được thử nghiệm trên đất liền ở Virginia. Loại pháo này có thể bắn các viên đạn với tốc độ nhanh hơn từ 6 - 7 lần tốc độ âm thanh. Gia tốc khủng khiếp của viên đạn khiến nó có thể gây nên những tổn thất lớn nếu đi trúng mục tiêu. 
Vũ khí mạnh mẽ nhưng rất... rẻ tiền
Hải quân dự định sẽ thay thế hoặc bổ sung các vũ khí này bên cạnh những khẩu pháo thông thường. Tuy nhiên cả hai hệ thống vũ khí này đều còn tồn tại nhiều nhược điểm lớn. 
 Viên đạn đốt cháy không khí xung quanh vì gia tốc quá lớn,
 sau khi được bắn đi từ pháo điện từ thử nghiệm ở Virginia
Cụ thể, laser chỉ có thể hoạt động tốt khi trời quang. Nó sẽ giảm hoặc mất khả năng tiêu diệt mục tiêu khi trời mưa, không khí nhiều bụi bặm hoặc bị nhiễu loạn. 
Trong khi đó pháo điện từ lại cần rất nhiều điện để bắn được viên đạn của nó. Con tàu khu trục mới nhất của Hải quân là Zumwalt, hiện đang được đóng ở xưởng Bath Iron Works tại Maine, là tàu chiến duy nhất của Mỹ có đủ điện để chạy một khẩu pháo điện từ. Các máy phát điện sử dụng turbine khí của con tàu tàng hình này có thể tạo ra 78 MW điện, đủ để cung cấp năng lượng cho cả một thành phố cỡ vừa và dư sức chạy pháo điện từ. 
Công nghệ từ 3 tàu khác thuộc loạt tàu DDG-1000 nhiều khả năng cũng sẽ được kế thừa trong các loại tàu chiến tương lai của Mỹ, khiến việc trang bị pháo điện từ và vũ khí laser cho chúng trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra các kỹ sư còn đang nghiên cứu một hệ thống pin có khả năng chứa đủ điện để pháo điện từ hoạt động trên các đội tàu hiện nay.
Với Hải quân, việc quyết tâm đưa 2 món vũ khí thời thượng này vào trang bị có cơ sở không xuất phát từ phô trương kỹ thuật hay hình ảnh. Theo nhận xét của Ziv, các hệ thống vũ khí trên được Hải quân ưa chuộng vì chúng "vượt trội trên vòng cung chi phí". Nói đơn giản hơn, chúng khá rẻ, chỉ tiêu tốn "bạc lẻ" so với hàng đống tiền người ta đã đổ vào bom và tên lửa thông minh. 
Mỗi quả tên lửa đánh chặn trên một tàu chiến Mỹ giờ có giá ít nhất một triệu USD mỗi quả. Nếu tàu được điều tới các môi trường thù địch, nơi đối phương sử dụng máy bay, máy bay không người lái, pháo, tên lửa hành trình bắn tới con tàu, việc sử dụng tên lửa để bảo vệ tàu sẽ tạo nên gánh nặng khổng lồ về chi phí, lớn tới mức khó chấp nhận. 
Ngoài ra các hệ thống vũ khí mới có thể bắn liên tục, không giống như tên lửa và bom, cuối cùng rồi cũng sẽ rơi vào cảnh "hết đạn". Ziv chỉ ra rằng với laser hoạt động hiệu quả trên lượng điện 30 KW và có thể là lớn hơn ba lần mức này trong tương lai, phí tổn cho mỗi phát bắn của pháo laser sẽ chỉ rơi vào mức vài đô la mỗi cú bắn.
Đó là chưa tính tới việc laser bay với tốc độ ánh sáng, khi kết hợp với các hệ thống bắt bám hiện đại, sẽ có khả năng tiêu diệt vô cùng hiệu quả các mối đe dọa, với chi phí rẻ chưa từng thấy. 

Đọc thêm