Các "ông lớn" thích duy trì “lỗ cao, thưởng lớn”?

(PLO) - Vẫn biết mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng dư luận vẫn không khỏi bức xúc khi nhiều “đại gia”  chỉ việc “đào tài nguyên  lên đem bán” mà lúc nào cũng thấy kêu lỗ, rồi xin hết ưu đãi này đến hỗ trợ kia…
Minh họa. Nguồn Internet
Minh họa. Nguồn Internet
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2014 EVN đặt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khoảng 1%, trong khi chuẩn mực của thế giới là 7-12%. Theo báo cáo mới nhất, doanh thu bán điện của EVN năm 2012 đạt gần 144.000 tỷ đồng. Tổng số lỗ lũy kế sản xuất kinh doanh điện và các khoản chi phí chưa hạch toán vào giá bán lẻ điện đến ngày 31/12/2012 gần 20.000 tỷ đồng. 
Trong đó, lỗ lũy kế sản xuất kinh doanh điện hơn 4.700 tỷ đồng. Riêng sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2012 lãi khoảng 4.404 tỷ đồng. Trong khi tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt khoảng 3-4% thì tỷ suất lợi nhuận trên tổng giá trị tài sản mà EVN đang vận hành là 18 tỷ USD, tương đương 360.000 tỷ, chỉ đạt khoảng 1,67%.
Mặc dù kinh doanh có lãi trong năm 2013 vừa qua nhưng EVN và Tập đoàn Xăng đầu (Petrolimex) là hai doanh nghiệp nhà nước được miễn nộp cổ tức để bù lỗ trước đó.
Cùng với EVN, Petrolimex cũng là tập đoàn có tỷ suất lợi nhuận trên vốn ở mức thấp. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Petrolimex sau 6 tháng đầu năm 2013 là 681 tỷ đồng. Nếu tính trên tổng nguồn vốn là 59.928 tỷ đồng thì tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chỉ đạt 1,1%. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với mức lợi nhuận là 1.579 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên tổng nguồn vốn 60.986 tỷ đồng là 2,5%. 
Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (Tập đoàn Sông Đà) cũng từng có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu năm 2010 chỉ đạt 1,4%, năm 2011 còn thấp hơn, chỉ đạt 0,9%.
Hay như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), năm 2013 đạt lợi nhuận sau thuế 41.000 tỷ đồng. Nếu so với vốn chủ sở hữu của PVN là 304.000 tỷ đồng thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 13,5% - con số này cũng đã nhận được rất nhiều thông tin trái chiều. 
Theo thông tin mới nhất từ Chính phủ, TCty Hàng hải Việt Nam  (Vinalines) đang lỗ 10.239 tỷ đồng, EVN lỗ lũy kế là 3.143 tỷ đồng, TCty Xây dựng đường thủy lỗ 710 tỷ đồng, TCty Xăng dầu Quân đội lỗ 551 tỷ đồng, TCty Lắp máy Việt Nam lỗ 492 tỷ đồng, TCty Cơ khí lỗ 419 tỷ đồng, TCty VTC lỗ 332 tỷ đồng, TCty Cà phê lỗ 322 tỷ đồng, TCty Công nghiệp ô tô Việt Nam lỗ 174 tỷ đồng…
Không phải đến lúc này các nhà quản lý mới “đặt lên bàn cân” rằng, chúng ta sẽ tập trung đầu tư vào ngành nào, tại sao doanh thu, lợi nhuận mang lại từ các “quả đấm thép” – tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lại quá khiêm tốn như vậy so với vốn, nguồn lực và thời gian đã đầu tư. Quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu các tập đoàn, các doanh nghiệp nhà nước đến đâu khi “lỗ cao, thưởng lớn”. 
Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc họp mới đây của Chính phủ, nội dung về các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và đẩy mạnh quá trình sắp xếp, cổ phần hóa khối các doanh nghiệp này được thảo luận thẳng thắn với quyết tâm chính trị mạnh mẽ. 
Với quyết tâm ấy, trong vòng 6 tháng đầu năm 2014, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định về quản lý, các chức danh quản lý tại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; chế độ thi tuyển, hợp đồng có thời hạn với tổng giám đốc/giám đốc trong doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. 
Đồng thời, trong quý I này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản trị và công bố thông tin của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Đặc biệt, trong thời gian tới, Nhà nước sẽ xây dựng và ban hành Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước theo tinh thần tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản lý của chủ sở hữu, để xác định rõ phạm vi, đối tượng, hình thức và thẩm quyền đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, trên cơ sở đó phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Đọc thêm