My “sói” - “Chấn thương” của xã hội!

Ở đâu đó trên thế gian này hàng ngày vẫn xảy ra những chuyện đau lòng bởi xã hội luôn có hai mặt: thiện và ác. Chúng ta dù muốn hay không vẫn phải chấp nhận vì đó là sự thật của đời sống.

Ở đâu đó trên thế gian này hàng ngày vẫn xảy ra những chuyện đau lòng bởi xã hội luôn có hai mặt: thiện và ác. Chúng ta dù muốn hay không vẫn phải chấp nhận vì đó là sự thật của đời sống. Tuy nhiên, có những sự thật khiến chúng ta không chỉ đau lòng mà còn phải tự vấn lương tâm mình cũng như cảnh báo lương tri của xã hội vì sao lại có thể để chúng xảy ra, hơn thế nữa chúng không chỉ dừng lại ở phạm vi cá biệt? Xã hội chưa hết bàng hoàng về chuyện có những thầy giáo gạ tình nữ sinh để đổi điểm; chuyện một hiệu trưởng đồi bại bắt ép nữ sinh làm gái mại dâm, cung phụng nữ sinh của mình cho những ông quan cấp tỉnh hành lạc; chuyện một sinh viên có gương mặt hiền lành nhưng lại có đủ nhẫn tâm chặt đầu người bạn gái mình vừa yêu rồi giấu xác để phi tang... thì lại xảy thêm chuyện một cô bé 14 tuổi cầm đầu băng nhóm giang hồ hung tợn với các tội ác nghe rợn cả người: bắt giữ trẻ em trái pháp luật, hiếp dâm tập thể, cướp đoạt tài sản, khống chế cưỡng ép nạn nhân làm gái mại dâm bằng những thủ đoạn vô cùng tàn nhẫn và xảo quyệt. Câu chuyện về cô bé My “Sói” (biệt danh giang hồ của Đào Thu Hương sinh năm 1996, nhà ở quận Ba Đình, Hà Nội) có thể nói đã làm choáng váng dư luận và cất lên hồi chuông cảnh tỉnh toàn xã hội về những chấn thương đạo đức đã và đang được hình thành bởi hậu quả của nhiều bất cập trong đời sống mà nguy hại nhất có lẽ xuất phát từ sự thờ ơ của những người lớn, coi thường trách nhiệm với thế hệ tương lai.
My “Sói” có khuôn mặt xinh xắn nhưng  bản tính lại tàn nhẫn và hung hãn của một “đại ca” trong chốn giang hồ  khi mà mới chỉ ở độ tuổi 14
My “Sói” có khuôn mặt xinh xắn nhưng bản tính lại tàn nhẫn và hung hãn của một “đại ca” trong chốn giang hồ khi mà mới chỉ ở độ tuổi 14
Sự thờ ơ, vô cảm của người lớn trong đời sống gia đình, trong trách nhiệm với xã hội đã hàng ngày mang lại những hình ảnh xấu từ trong nhà ra đến nơi công cộng, chốn công quyền gây nên những lệch lạc nghiêm trọng trong nhận thức về các giá trị sống cũng như trong ý thức về sự thượng tôn pháp luật ở giới trẻ. Chúng ta hàng ngày vẫn nhìn thấy khẩu hiệu “hãy dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất”, thế nhưng vấn nạn bỏ rơi, hành hạ, bóc lột lao động trẻ em, cưỡng bức trẻ em vào các tệ nạn xã hội... vẫn đang là một sự thật nhức nhối không chỉ tồn tại mà còn đang có chiều hướng gia tăng. Không ít các bi kịch gia đình mà hậu quả nặng nề của nó lại đổ lên đầu con trẻ. Tuy nhiên, cũng không ít gia đình giàu có nhưng đời sống tinh thần mà đặc biệt là tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ dành cho con cái hầu như vắng bóng. Nhiều bậc cha mẹ cứ nghĩ rằng mình mang về cho con cái nhiều tiền, nhiều tiện nghi trong cuộc sống và khi cần thiết thì “chạy” cho con cái những chỗ đứng hơn người là đủ trách nhiệm. Nhiều người tự hỏi, chẳng biết vì đâu My “Sói” có bản tính tàn nhẫn và hung hãn của một “đại ca” trong chốn giang hồ khi mà cô bé chỉ mới 14 tuổi? Phải chăng “tấn trò đời” chính là nguyên nhân mà cũng là hậu quả khi chính My “Sói” đã từng lãnh đúng những điều mà cô bé ấy đã hành xử một cách tàn nhẫn với người khác. Khi kết cấu gia đình không còn vững chắc cộng hưởng với những vấn nạn của xã hội không được kiểm soát hậu quả sẽ làm cho quá trình trưởng thành của giới trẻ va chạm phải nhiều nguy cơ phá hủy nhân cách và dễ dàng sa vào tội ác. Quá trình hình thành nên “nữ quái”  My “Sói” cho thấy có sự hiện diện của một gia đình tan vỡ, thiếu thốn tình thương yêu, sự quan tâm, chăm sóc của người lớn, nếu không muốn nói đó là sự vô trách nhiệm. Ở đây, cũng có sự hiện diện của những mái trường, vì My “Sói” được học tới lớp 7 rồi mới nghỉ. Vậy thì, quá trình học tập của My “Sói” diễn biến như thế nào liệu nhà trường có theo dõi và có sự kết hợp chặt chẽ với gia đình để kiểm soát hành vi của con em và học sinh mình hay không? Trong nhà trường, chắc chắn phải có các tổ chức đoàn thể, My “Sói” có từng tham gia tổ chức nào không và nếu không thì các tổ chức này liệu đã có quan tâm gì tới những đối tượng như My “Sói” để có biện pháp “lôi kéo” các bạn học sinh như My “Sói” ra khỏi con đường lầm lỗi? Ở đây cũng có sự hiện diện của các vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện đại. Đó là những ngày My “Sói” lang thang trên mạng internet. Cũng chính mặt trái của internet đã trở thành một trong những phương tiện đắc lực giúp My “Sói” và đồng bọn gây tội ác. Internet là một thành tựu vĩ đại của nhân loại và nó đã góp phần tích cực làm thay đổi thế giới ngày nay. Thế nhưng sự buông lỏng quản lý và thiếu kiểm soát các nội dung xấu trên internet, đồng hành với sự bùng nổ các chương trình games online đầy tính bạo lực trong một thời gian khá dài đã thực sự dẫn tới nhiều kết cục đau lòng đối với lớp trẻ. Các phương tiện truyền thông đại chúng trong xu thế cạnh tranh quyết liệt đôi khi cũng dễ dãi với những loại thông tin “câu khách”, săn đuổi và tường thuật các hành vi tội ác một cách “vô tư”, thiếu định hướng, thiếu chọn lọc... cũng góp phần vào sự lệch lạc nhận thức cho một bộ phận của giới trẻ ngày nay. My “Sói” cũng cho biết cô bé học được những “chiêu” xảo quyệt và tàn nhẫn từ các bậc đàn anh, đàn chị trong thời gian lưu lạc giang hồ ngắn ngủi của mình. Thực tế cho thấy, hiện tượng hành xử theo kiểu xã hội đen đang ngày càng trở nên khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Đó là một vấn nạn xã hội khi mà một số người dân không còn giữ được ý thức thượng tôn pháp luật một cách trọn vẹn. Nói cách khác, khi mà một bộ phận dân cư có xu hướng tìm cách xử lý các mâu thuẫn, các tranh chấp dân sự theo kiểu xã hội đen cũng có nghĩa là đã bắt đầu có dấu hiệu về sự hạn chế của cơ quan bảo vệ pháp luật. Một lãnh đạo Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, bằng linh cảm nghề nghiệp ông nghĩ rằng còn không ít băng nhóm giang hồ hành động hung hãn cũng tuổi “teen” như nhóm My “Sói” và đồng bọn trong xã hội. Đúng là còn không ít ví dụ tương tự để có thể lý giải cho việc xuất hiện không ít các băng nhóm theo kiểu My “Sói”.  Bởi vì, cái vòng luẩn quẩn xuất phát từ sự thiếu quan tâm, vô cảm, vô trách nhiệm của người lớn đối với thế hệ trẻ ngày nay cuối cùng sẽ đưa ra đáp số là vô tình hoặc cố ý đẩy con trẻ vào con đường tội ác. Một khi khát vọng làm người lương thiện, sự thèm muốn được yêu thương, được chăm sóc, được giáo dục và hơn nữa là được hướng dẫn, uốn nắn tử tế trên đường đời không có cơ hội để đến với những trẻ em như My “Sói” thì tất yếu cái ác sẽ tới!
Theo Đại Đoàn Kết

Đọc thêm