Mỹ tăng cường quân sự ở châu Á

Tổng thống Mỹ Barak Obama cam kết tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bất chấp việc ngân sách quốc phòng bị cắt giảm đến gần 500 tỉ USD sau một thập kỷ chiến tranh.

Tổng thống Mỹ Barak Obama cam kết tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bất chấp việc ngân sách quốc phòng bị cắt giảm đến gần 500 tỉ USD sau một thập kỷ chiến tranh.

Tổng thống Obama tại buổi công bố chính sách quốc phòng. Ảnh: AP
Tổng thống Obama tại buổi công bố chính sách quốc phòng. Ảnh: AP

Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ được ông Obama công bố trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc hôm 5/1 với sự góp mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Martin Dempsey với 2 ưu tiên chính: tiếp tục triển khai hiệu quả năng lực quân sự trong giai đoạn phải cắt giảm ngân sách đồng thời tái cơ cấu những ưu tiên quốc phòng trong bối cảnh một Trung Quốc đang trỗi dậy và một Iran cứng rắn.

Theo giới phân tích, một khi được triển khai thực hiện, chiến lược này sẽ tái định hình lại lực lượng của cường quốc quân sự hàng đầu thế giới sau cuộc chiến chống khủng bố do cựu Tổng thống George W. Bush phát động ở Afghanistan và Iraq.

Theo chiến lược mới, khả năng phòng vệ trong cuộc chiến tranh mạng và máy bay không kích không người lái sẽ tiếp tục được ưu tiên phát triển. Ngoài ra, Mỹ cũng cam kết gia tăng sự hiện diện quân sự tại các khu vực như biển Đông và eo biển Hormuz bất chấp những biện pháp ngăn cản  từ phía Trung Quốc và Iran.

Bộ trưởng Quốc phòng Panetta cho hay, chiến lược quốc phòng này sẽ gây dựng nên một lực lượng quân đội “nhỏ hơn và tinh nhuệ hơn” để gia tăng vai trò quân sự của Mỹ tại châu Á trong khi vẫn đảm bảo sự hiện diện mạnh mẽ tại Trung Đông.

Việc chuyển trọng tâm sang châu Á diễn ra trong bối cảnh Lầu Năm Góc đang ngày một quan ngại về những mục tiêu chiến lược của Trung Quốc khi nước này bắt đầu tung ra các thế hệ vũ khí mới có khả năng ngăn chặn lực lượng hải quân và không quân Mỹ tại khu vực và khả năng Iran phong tỏa eo biển ngày càng lớn.

Chiến lược quốc phòng mới được xây dựng trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Obama cam kết cắt giảm đến 478 tỉ USD ngân sách quốc phòng trong vòng 10 năm tới.

Tuy nhiên, ông Obama cho rằng, ngân sách phục vụ các mục tiêu quốc phòng vẫn sẽ lớn hơn ngân sách trong những năm cuối dưới chính quyền của cựu Tổng thống Bush.

Dù con số cụ thể về các chương trình giảm binh lính và vũ khí sẽ chỉ được công bố sau khi Bộ Quốc phòng hoàn tất đề xuất ngân sách năm 2013, nhưng theo một số chuyên gia, chính quyền Obama có thể sẽ giảm quy mô lực lượng bộ binh và hải quân từ 10-15%, tương đương với việc giảm khoảng 76.000 đến 114.000 binh lính trong tổng số 565.000 lính bộ binh và 201.000 lính hải quân hiện có.

Thanh Tùng (Theo Reuters, AP)

Đọc thêm