Mỹ ngày 27/6 cho biết đã nhìn thấy “động lực” trong các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á để đạt được sự đồng thuận về một bộ quy tắc ứng xử nhằm giảm bớt sự bất hòa sâu sắc liên quan những tuyên bố về chủ quyền trên biển Đông.
|
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell. Ảnh: Washingtonnote |
Vấn đề biển Đông sẽ là ưu tiên cao trong chương trình nghị sự khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới Campuchia vào tháng tới để tham dự các cuộc thảo luận của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và các cường quốc trong khu vực, trong đó có Trung Quốc.
Tại cuộc hội thảo diễn ra trong 2 ngày 27 và 28/6 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức, ông Kurt Campbell – trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á - cho hay, ông hiểu rằng một dự thảo đề xuất về bộ quy tắc ứng xử đang được thảo luận và Mỹ hy vọng được nghe thêm chi tiết về việc này tại các cuộc hội đàm diễn ra ở Campuchia.
“Điều mà chúng tôi nhận thấy gần đây là sự gia tăng về mặt ngoại giao giữa các nước ASEAN và Trung Quốc trên nhiều khía cạnh liên quan đến một bộ ứng xử tiềm năng” – ông Campbell phát biểu. Ông Campbell nói rằng Mỹ hết sức ấn tượng với mức độ chú trọng mà ASEAN dành cho vấn đề này đồng thời thừa nhận rằng những tranh chấp trên Biển Đông “đầy rẫy khó khăn”.
Chi tiết về Bộ quy tắc vẫn chưa được nêu rõ nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khi phát biểu tại Đối thoại thường niên Shangri-La diễn ra tại Singapore hôm 2/6 nói rằng, bộ quy tắc này sẽ thiết lập một ràng buộc về “bộ khung dựa trên các quy tắc” để ngăn chặn và kiềm chế các tranh chấp.
Tại các cuộc thảo luận hàng năm của khối ASEAN diễn ra tại Việt Nam năm 2010, Ngoại trưởng Clinton nói rằng Mỹ có “lợi ích quốc gia” trong việc mở con đường tiếp cận tới biển Đông, nơi mà một nửa giao dịch thương mại thế giới đi qua. Tuyên bố của bà Clinton được phần lớn các nước châu Á hoan nghênh và tăng cường hợp tác với Mỹ nhưng Trung Quốc lại cho rằng Ngoại trưởng Mỹ làm tăng thêm căng thẳng.
ASEAN và Trung Quốc hồi năm 2002 đồng ý đàm phán về việc cho ra đời Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều tiến triển rõ rệt kể từ đó tới nay. Trung Quốc muốn đàm phán với từng nước trong khối ASEAN thay vì thương lượng với tất cả các thành viên trong khối. Tại cuộc họp ở Phnom Penh hồi tháng 4, các ngoại trưởng ASEAN hi vọng sẽ rút ngắn được khác biệt, ký được bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc vào cuối năm nay.
Hội thảo về Biển Đông của CSIS năm nay tập trung thảo luận những chủ đề chính: những diễn biến gần đây trên biển Đông; biển Đông trong quan hệ giữa ASEAN - Mỹ - Trung Quốc, đánh giá tầm quan trọng của biển Đông trong sự thay đổi tình hình khu vực, vai trò của luật và quy tắc quốc tế trong việc giải quyết và kiềm chế tranh chấp chủ quyền, con đường giải quyết và khuyến nghị chính sách để thúc đẩy an ninh và hợp tác trên biển Đông.
Thanh Tâm (theo AFP)