Theo AFP, Nhà Trắng trong một tuyên bố cho biết, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu đoàn đàm phán Trung Quốc tham gia đàm phán tại Washington, Mỹ. Phái đoàn Mỹ do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu.
Vòng đàm phán thương mại mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra trong 2 ngày 10 và 11/10. Tham gia đoàn đàm phán Trung Quốc lần này còn có Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn và Thống đốc Ngân hàng trung ương Dịch Cương cùng một số nhân vật cấp cao khác.
Theo tuyên bố của Nhà Trắng, tại vòng đàm phán này, 2 bên sẽ tập trung vào các lĩnh vực mà Mỹ từ năm ngoái đã đưa ra những yêu cầu sâu rộng như quyền sở hữu trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ, nông nghiệp và thực thi pháp luật.
Hồi tháng trước, 2 bên đã tiến hành các cuộc đàm phán cấp thấp để chuẩn bị cho vòng đàm phán cấp cao lần này. Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 9/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng 2 bên có cơ hội rất tốt để có thể đạt được một thỏa thuận. Tuy nhiên, trong phát biểu trước đó, ông Trump cũng tuyên bố nếu thỏa thuận sẽ không đạt 100% yêu cầu của Mỹ, nước này sẽ không ký kết thỏa thuận như vậy.
Mỹ và Trung Quốc đến nay đã tiến hành tổng cộng 12 vòng đàm phán nhằm dàn xếp cuộc chiến thương mại giữa 2 nước. Vòng đàm phán mới nhất giữa 2 nước sẽ diễn ra 8 ngày trước thời gian vòng đánh thuế lẫn nhau tiếp theo giữa 2 nước có hiệu lực.
Dự kiến, vào ngày 15/10 tới, mức thuế mà Mỹ đánh với 250 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng lên 30%. Trợ lý thương mại của Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 7/10 bác bỏ thông tin rằng dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy cuộc chiến thương mại đã gây tổn hại tới nền kinh tế Mỹ. Ông Kudlow khẳng định tác động của cuộc chiến này tới nền kinh tế Mỹ là tối thiểu- nhận định mà hầu hết các nhà kinh tế đều không đồng tình.
Theo một thống kê, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 9 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm qua nhưng ngành sản xuất của nước này đã rơi vào suy thoái và tăng trưởng GDP được dự báo sẽ chậm lại đáng kể.
Giới phân tích cho rằng đang có những lý do khá thuyết phục để 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới dàn xếp căng thẳng thương mại càng sớm càng tốt. Theo các ý kiến này, chiến lược áp thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc không phải là một công cụ hữu hiệu để giải quyết sự mất cân bằng thương mại song phương mà các nước cần có những điều chỉnh cơ cấu lớn để giảm sự mất cân bằng này.
Bên cạnh đó, với Mỹ, nguồn thu từ việc áp thuế của nước này với hàng hóa Trung Quốc chỉ có thể bù đắp một phần cho những thiệt hại của các nhà sản xuất trong nước. Ngoài ra, các phân tích cũng chỉ ra rằng việc chống lại sự mất cân bằng thương mại thông qua các biện pháp thuế quan và phi thuế quan là không phù hợp với lợi ích kinh tế của cả Mỹ và Trung Quốc.
Thêm vào đó, việc 2 nước liên tục đánh thuế kiểu “ăn miếng trả miếng” với hàng hóa của nhau không giải quyết được sự mất cân bằng thương mại song phương mà chỉ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế mỗi nước.
Do vậy, việc 2 nước dàn xếp để kết thúc căng thẳng thương mại hiện nay không chỉ có lợi cho 2 nước này mà cho cả nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Reuters dẫn lời các quan chức chính phủ, ngoại giao và nhà đầu tư Trung Quốc cho rằng triển vọng các cuộc thảo luận lần này đạt được tiến triển rất mong manh, có nguy cơ các cuộc đàm phán sẽ kết thúc trong bế tắc.