Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 31/7 đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với ngành dầu mỏ của Iran. Một ngân hàng của Trung Quốc cũng đã bị loại ra khỏi hệ thống tài chính Mỹ vì đã giúp các ngân hàng Iran “né” lệnh cấm vận.
|
Ngân hàng Côn Lôn, Trung Quốc. |
Ông Obama nói rằng Ngân hàng Côn Lôn của Trung Quốc và Ngân hàng Elaf của Iraq đã “tạo điều kiện thuận lợi cho những giao dịch trị giá hàng triệu USD” cho những ngân hàng của Iran đang bị Mỹ trừng phạt.
“Bằng cách loại bỏ các định chế tài chính này ra khỏi hệ thống tài chính nước Mỹ, hành động ngày hôm nay cho thấy rõ ràng rằng chúng ta sẽ vạch trần bất kỳ tổ chức tài chính nào cho phép các định chế tài chính Iran thâm nhập vào hệ thống tài chính quốc tế” – ông Obama trong một văn bản do Nhà Trắng công bố viết.
Bộ Tài chính Mỹ trong một tuyên bố cho biết, Ngân hàng Côn Lôn – một trong những đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc - đã cung cấp các dịch vụ tài chính đáng kể cho ít nhất 6 ngân hàng Iran đang nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, để giúp thúc đẩy các hoạt động hạt nhân của Iran và các tổ chức khủng bố quốc tế.
“Ngân hàng Côn Lôn đã sắp xếp các giao dịch tài chính trị giá hàng trăm triệu USD với các ngân hàng đã bị trừng phạt, trong đó có việc mở tài khoản tạm treo, chuyển khoản và thanh toán thư tín dụng” – Bộ Tài chính Mỹ nói.
Cụ thể, theo Bộ Tài chính Mỹ, đầu năm 2012, Ngân hàng Côn Lôn đã thực hiện hàng trăm giao dịch thanh toán, có giá trị tổng cộng khoảng 100 triệu USD từ các tài khoản của Ngân hàng Tejarat của Iran sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu đưa ngân hàng này vào danh sách trừng phạt của họ.
“Ngoài các giao dịch này, đầu năm 2012, Ngân hàng Côn Lôn cũng đã thực hiện ít nhất 1 giao dịch thanh toán cho một nhánh của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran theo thư tín dụng thanh toán của Ngân hàng Tejarat”. Hồi đầu năm, Mỹ cũng đã trừng phạt Công ty Chấn Nhung Chu Hải – đơn vị nhập khẩu dầu thô lớn nhất từ Iran của Trung Quốc – vì cáo buộc công ty này đã xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu sang Iran.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong ngày 1/8 đã phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Ngân hàng Côn Lôn và cảnh báo rằng động thái này có thể làm tổn hại đến các lợi ích của Trung Quốc cũng như quan hệ Trung – Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói rằng Trung Quốc có quan hệ kinh doanh bình thường, công khai và minh bạch trong lĩnh vực năng lượng và thương mại, không liên quan đến các kế hoạch năng lượng của Iran và không vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Theo báo cáo hàng năm của Côn Lôn, đến tháng 4/2011, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc sở hữu 82% cổ phần của ngân hàng. Ngoài việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng thương mại tại Trung Quốc, ngân hàng này còn cung cấp các dịch vụ tài chính ở nước ngoài cho các công ty thuộc sở hữu nhà nước và các công ty năng lượng Trung Quốc.
Phó cố vấn an ninh quốc gia về chiến lược truyền thông của Nhà Trắng Ben Rhodes cho biết, các biện pháp trừng phạt bổ sung nói trên nhằm mục đích “gây áp lực lên những tính toán của Iran” để buộc Tehran đàm phán nghiêm túc về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Ông Rhodes cũng nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục tìm cách gia tăng tác động của các biện pháp trừng phạt lên Iran. Các nhà đàm phán Hạ viện và Thượng viện Mỹ trong tuần này cũng đã đạt được sự đồng thuận về những biện pháp cấm vận mới nghiêm khắc hơn, áp đặt lên ngành năng lượng, vận tải biển và tài chính của Tehran.
Thanh Tâm (Theo CNN, WSJ)