Mỹ xem xét đưa thêm tàu ngầm tấn công tới Thái Bình Dương

Lầu Năm Góc sẽ xem xét việc điều thêm máy bay ném bom và tàu ngầm tấn công tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kế hoạch điều động thêm khí tài này được cho là nhằm tạo ra một lợi thế quan trọng trong việc chống lại các công nghệ chống tiếp cận mà Trung Quốc đang phát triển để ngăn chặn hải quân Mỹ tiến vào khu vực.

Lầu Năm Góc sẽ xem xét việc điều thêm máy bay ném bom và tàu ngầm tấn công tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kế hoạch điều động thêm khí tài này được cho là nhằm tạo ra một lợi thế quan trọng trong việc chống lại các công nghệ chống tiếp cận mà Trung Quốc đang phát triển để ngăn chặn hải quân Mỹ tiến vào khu vực.

Tàu ngầm tấn công USS Hampton lớp Los Angeles của Mỹ. Ảnh: Reuters
Tàu ngầm tấn công USS Hampton lớp Los Angeles của Mỹ. Ảnh: Reuters

Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 1/8 cho biết, việc xem xét bổ sung thêm máy bay ném bom và tàu ngầm tấn công là một phần trong chiến lược chú trọng đến những thách thức an ninh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

“Chúng tôi đang xem xét kế hoạch điều thêm khí tài tới trung tâm chiến lược Guam ở phía Tây Thái Bình Dương” – ông Robert Scher - Phó trợ lý phụ trách kế hoạch của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nói với với các nhà làm luật tại một phiên điều trần trước Quốc hội.

Ông Scher cho biết thêm rằng việc xem xét kế hoạch điều động khí tài nói trên được đưa ra theo gợi ý của một bản báo cáo độc lập về kế hoạch quân sự của Mỹ trong khu vực. Đảo Guam là một phần lãnh thổ Mỹ nằm ở vị trí 3/4 khoảng cách từ Hawaii đến Phillippines. Trên đảo này có căn cứ Không quân Andersen với một phi đội ném bom B-52 luân phiên. Lực lượng chủ chốt của Mỹ ở đây hiện có 3 tàu ngầm tấn công.

Trước đó, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) – một nhóm nghiên cứu chính sách độc lập - dưới sự ủy nhiệm của Quốc hội đã tiến hành đánh giá lại sự bố trí lực lượng quân sự Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

CSIS trong một báo cáo được công bố vào tuần trước đã kiến nghị rằng, Mỹ nên bổ sung một hay nhiều tàu ngầm tấn công tại Guam để tăng cường lợi thế cạnh tranh quan trọng trước các loại công nghệ “ngăn chặn tiếp cận” mà Trung Quốc đang phát triển để ngăn Mỹ tiến vào khu vực.

Một lựa chọn khác được CSIS đưa ra là tái bố trí thường trực một đội 12 chiếc B-52 tại Guam thay vì điều chuyển luân phiên các phi đội từ những căn cứ tại Mỹ. Theo đánh giá của CSIS, ẩn số địa chiến lược quan trọng mà Mỹ và các đồng minh, đối tác của nước này phải đối mặt trong khu vực là “sức mạnh và tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc sẽ tác động thế nào đến trật tự và ổn định tại khu vực trong những năm tới”.

CSIS nói rằng, lực lượng Mỹ có thể giúp định hình môi trường hòa bình bằng cách hành động theo đúng những cam kết an ninh của Washington - một động thái mà theo đánh giá của tổ chức này là sẽ giúp “ngăn cản sự áp bức của Trung Quốc và sự hung hăng của Triều Tiên”.

Ông Sher trong một báo cáo cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đồng ý với đánh giá của CSIS rằng “có cơ hội để tiến tới với Guam và gửi một tín hiệu quan trọng cho khu vực”. Ông Sher nói rằng, hiện giờ, cả máy bay ném bom cũng như tàu ngầm tấn công đều không có trong kế hoạch của Lầu Năm Góc cho khu vực Guam.

Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được xem xét dựa trên báo cáo của CSIS. Các quan chức trong Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho hay, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục tìm kiếm những cơ hội với đồng minh Philippines để triển khai lực lượng tại những “khu vực ưu tiên” chưa được đề cập cụ thể nhằm củng cố an ninh hàng hải.

Tổng thống Mỹ hồi đầu năm đã tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sau một thập kỷ chiến tranh trên bộ tại Iraq và Afghanistan được phát động sau vụ khủng bố 11/9/2001.

Chiến lược chuyển trọng tâm sang Thái Bình Dương của Mỹ bao gồm việc chuyển các nguồn lực quân sự, ngoại giao và kinh tế sang khu vực này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trong một hội nghị tại Singapore hồi tháng 6 vừa qua đã công bố kế hoạch “tái cân bằng” lực lượng hải quân Mỹ đến năm 2020, từ tỷ lệ 50 - 50 giữa Thái Bình Dương với Đại Tây Dương sang tỷ lệ 60 - 40 nghiêng về Thái Bình Dương.

Minh Ngọc (theo Reuters)

Đọc thêm