Mỹ xem xét hình phạt với các cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy quân đội Trung Quốc có liên quan đến việc đánh cắp một khối lượng lớn các dữ liệu của chính phủ cũng như các bí mật thương mại của các công ty của Mỹ, chính quyền Obama đang xem xét về những hình phạt và các hành động về mặt thương mại đối với Bắc Kinh hay bất kỳ nước nào phạm tội hoạt động gián điệp mạng.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy quân đội Trung Quốc có liên quan đến việc đánh cắp một khối lượng lớn các dữ liệu của chính phủ cũng như các bí mật thương mại của các công ty của Mỹ, chính quyền Obama đang xem xét về những hình phạt và các hành động về mặt thương mại đối với Bắc Kinh hay bất kỳ nước nào phạm tội hoạt động gián điệp mạng.

Tòa nhà được cho là nơi đặt trụ sở của tin tặc Trung Quốc. Ảnh: AP

Theo các quan chức được biết về các kế hoạch nói trên, Nhà Trắng sẽ công bố một báo cáo, trong đó đưa ra các bước đi ban đầu, quyết liệt hơn mà Mỹ có thể áp dụng để "đáp trả" một chiến dịch đánh cắp trên không gian mạng liên tục có liên quan đến chính phủ Trung Quốc.

Các kế hoạch của Nhà Trắng được đưa ra sau khi một công ty an ninh mạng của Mỹ ngày 19/2 công bố một báo cáo, trong đó cáo buộc một đơn vị bí mật của quân đội Trung Quốc tại Thượng Hải là thủ phạm đã gây ra các cuộc tấn công trên không gian mạng nhằm đánh cắp dữ liệu từ các nhà thầu quốc phòng, các công ty cung cấp năng lượng cũng như các kỹ thuật trọng yếu khác ở Mỹ trong nhiều năm qua.

Cụ thể, Madiant – công ty có trụ sở tại bang Virginia - tuyên bố họ đã lần ra đường dây tấn công mạng đặt trụ sở tại một tòa nhà 12 tầng ở khu ngoại ô thành phố Thượng Hải. Tòa nhà này là do “Ðơn vị 61398” của quân đội Trung Quốc điều hành. Ðơn vị này đã “đánh cắp có hệ thống hàng trăm terabytes (1024GB) dữ liệu từ ít nhất 141 công ty và cơ quan”, chủ yếu là của Mỹ .

Các chuyên gia quân sự cho rằng, đơn vị này là một bộ phận thuộc Bộ chỉ huy không gian mạng của Quân giải phóng nhân dân, nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Tổng bộ tham mưu Trung Quốc. Như vậy, những hoạt động của đơn vị này nhiều khả năng đã được sự cấp phép từ các cấp cao nhất của quân đội Trung Quốc.

Báo cáo của Mandiant, cùng với chi tiết về 3 trong số các đối tượng bị cáo buộc là hacker và những bức ảnh chụp một trong các tòa nhà của đơn vị quân sự tại Thượng Hải, đã làm rõ hơn những cáo buộc mà giới chức Mỹ đã đưa ra trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, báo cáo này cũng gia tăng áp lực buộc giới chức Mỹ phải có những hành động mạnh mẽ hơn nhằm đáp trả Trung Quốc về những hành vi mà theo các chuyên gia cho là nhiều năm hoạt động gián điệp có hệ thống.

“Nếu máy bay của chính phủ Trung Quốc bay vào không phận của chúng ta, máy bay của chúng ta sẽ xua đuổi họ. Nếu chuyện này hai, ba hoặc bốn lần, tổng thống sẽ chỉ đạo qua điện thoại và nhiều khả năng sẽ có hành động đáp trả. Tuy nhiên, những vụ tấn công mạng đang xảy ra hàng nghìn lần mỗi ngày. Cần phải có một số định nghĩa về ranh giới đỏ cũng như hậu quả mà họ có thể phải chịu” – ông Shawn Henry – cựu trợ lý giám đốc điều hành FBI nói.

Ông Henry – hiện đang là giám đốc công ty an ninh CrowdStrike cho rằng chính phủ cần tập trung hơn vào các giải pháp để ngăn chặn tin tặc và các nước “chống lưng” cho tin tặc.

Ông James Lewis – một chuyên gia về an ninh mạng tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - thì cho hay, trong năm ngoái, Nhà Trắng đã chú trọng đến việc đáp trả Trung Quốc. “Trong năm nay, họ sẽ gia tăng áp lực, dù ẫn biết rằng khó có thể buộc Trung Quốc phải thay đổi” - ông Lewis nói.

Ngay sau công ty của Mỹ công bố báo cáo trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng lên tiếng bác bỏ các thông tin trong của báo cáo của công ty Mỹ. Theo ông Hồng, Trung Quốc cũng là một trong những nạn nhân chính của các cuộc tấn công mạng. Ông Hồng khẳng định Trung Quốc phản đối những cuộc tấn công này và nói thêm rằng Trung Quốc đã ban hành và thực thi các điều luật để ngăn chặn các vụ tấn công mạng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng dẫn một báo cáo của Trung tâm phối hợp kỹ thuật phản ứng khẩn đối với mạng lưới máy tính quốc gia của Trung Quốc cho hay 73.000 địa chỉ IP từ nước ngoài có liên quan đến các vụ tấn công nhằm vào 14 triệu máy tính của Trung Quốc, trong đó các địa chỉ IP xuất phát từ Mỹ chiếm phần lớn. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cũng lên tiếng phủ nhận các cáo buộc từ phía Mỹ.

Các chuyên gia an ninh mạng của Mỹ khẳng định giới chức Mỹ không thực hiện các vụ tấn công tương tự để đánh cắp dữ liệu của các công ty Trung Quốc nhưng thừa nhận các cơ quan tình báo của họ thường theo dõi các nước khác.

Minh Ngọc (theo AP, Shanghai Daily)

Đọc thêm