Hôm nay (11/10), Mỹ bắt đầu mở phiên tòa xét xử Umar Farouk Abdulmutallab – một kẻ tình nghi là phần tử Al Qaeda, bị cáo buộc đã tìm cách cho nổ tung chiếc máy bay của hãng hàng không Northwest Airlines bằng một quả bom giấu trong quần lót hồi tháng 12/2009.
|
Giáo sỹ Anwar al-Awlaki và Umar Farouk Abdulmutallab. Ảnh Nydailynews |
Nhiều ý kiến cho rằng nghi phạm người Nigeria sẽ không tìm cách để bào chữa cho bản thân mà tiếp tục biến phòng xử án thành một sân khấu chính trị.
Các biểu hiện của Umar Farouk Abdulmutallab trong những lần xuất hiện tại tòa án trước phiên xét xử và cả quá trình lựa chọn bồi thẩm đoàn cho thấy nhiều khả năng phiên tòa mở ra từ ngày 11 này sẽ bị biến thành một “sân khấu chính trị”. Nghi phạm trong vụ việc lúc thì yêu cầu thẩm phán Nancy G. Edmunds cho phép mặc trang phục truyền thống của những người đàn ông Yemen với khăn quấn và một con dao, khi lại ra yêu sách đòi được xét xử theo “Luật của kinh Koran”.
Xuất hiện trước bồi thẩm đoàn tại tòa án Detroit ngày 4/10, Abdulmutallab đã lớn tiếng đe dọa rằng: “Các phần tử Thánh chiến sẽ quét sạch nước Mỹ - nước Mỹ ung nhọt” và nhiều lần khẳng định trùm khủng bố Osama Bin Laden và giáo sỹ Hồi giáo cực đoan Anwar al-Awlaki vẫn còn sống và không chịu đứng dậy trước thẩm phán.
Nghi phạm khủng bố có biệt danh “kẻ đánh bom giấu trong quần lót” đã chối bỏ tất cả 8 tội danh, trong đó có âm mưu giết người và âm mưu tấn công khủng bố, với khung hình phạt cao nhất là án chung thân nếu bị tuyên là có tội.
Ngày 25/12/2009, Abdulmutallab đã bay từ Lagos, Nigeria sang Amsterdam, Hà Lan sau đó lên một chuyến bay tới Detroit, Mỹ mang theo một quả bom được chế từ thuốc nổ PETN và TATP.
Cảnh sát cho hay, một phần của thiết bị nổ đã được khâu vào “chiếc quần trong cùng” của nghi phạm Abdulmuntallab nhằm giúp tên này thuận lợi hơn trong việc vượt qua hàng rào an ninh tại sân bay. Bảy phút trước khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Detroit, Abdulmuntallab đã tìm cách cho nổ quả bom bằng cách tiêm thêm hóa chất vào thuốc nổ nhưng đã bị các hành khách khác và phi hành đoàn phát hiện và khống chế, khiến tên này bị bỏng khá nặng. Sau vụ việc này, nhà chức trách Mỹ đã phải gia tăng các biện pháp kiểm tra an ninh tại các sân bay lớn, bao gồm cả việc sử dụng máy quét toàn thân đối với các hành khách.
Abdulmutallab mới đây đã tuyên bố không cần luật sư biện hộ và rằng hắn sẽ tự bào chữa cho mình tại tòa án. Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài trong 3 đến 4 tuần và sẽ thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận với những tranh cãi về việc nên xét xử tên này ở một phiên tòa hình sự thay vì một phiên tòa dân sự như hiện nay.
Ít ai có thể ngờ một nghi phạm khủng bố như Abdulmutallab lại là con trai của một trong những doanh nhân thành đạt và có ảnh hưởng chính trị ở Nigeria – một kẻ sớm được hưởng một cuộc sống sung túc và một nền giáo dục đẳng cấp quốc tế. Tên này từng được giáo viên tiếng Anh miêu tả là một sinh viên giỏi, tốt bụng, nhiệt tình, thông minh và rất lịch thiệp – người đã dành được học bổng dành cho những sinh viên Hồi giáo đang học tập ở Anh.
Tuy nhiên, những mầm mống tư tưởng của một kẻ cực đoan cũng đã sớm thể hiện ở Abdulmutallab khi hắn luôn tỏ ra hết sức mộ đạo và thích rao giảng đạo lý cho các sinh viên khác.
Trong một buổi thảo luận về Taliban, trong khi các học sinh khác kịch liệt phản đối thì Abdulmutallab lại lên tiếng ủng hộ nhóm phiến quân này. Nhà chức trách Nigeria cho rằng Abdulmutallab đã được Al Qaeda tuyển mộ khi học tập tại Anh, trong khi London luôn phủ nhận tư tưởng cực đoan của hắn hình thành trong thời gian ở trời Âu.
Bảo An (theo Washington Post, BBC)