Năm 2010, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả, tăng sức cạnh tranh; ổn định xã hội, phát triển bền vững

Cùng cả nước, Hải Phòng đón chào năm mới 2010 với nhiều sự kiện lớn kỷ niệm 55 năm giải phóng Hải Phòng ; Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội 14 Đảng bộ thành phố, Đại hội 11 của Đảng… Trọng trách nặng nề hơn khi hậu quả của khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa ngừng. Những thành tựu đáng tự hào của năm 2009 mang lại niềm tin cho Hải Phòng, nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa, cần có tư duy chiến lược vì một thành phố Hải Phòng văn minh, hiện đại, thịnh vượng.

Nhân dịp năm mới, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố, dành cho phóng viên Báo Hải Phòng  cuộc phỏng vấn về những thuận lợi và thách thức đan xen, về hướng đi và chiến lược phát triển của thành phố.

 

PV: Đánh giá một cách tổng quát, thành tựu lớn nhất  Hải Phòng đạt được trong năm 2009 đầy khó khăn, thách thức là gì, thưa Chủ tịch?

 

Chủ tịch UBND thành phố: Với nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố, Hải Phòng thực hiện được mục tiêu lớn là góp phần cùng cả nước ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Đáng chú ý là kinh tế thành phố duy trì được sự tăng trưởng ở hầu hết ngành và lĩnh vực, quý sau cao hơn quý trước (GDP quý 1: +4,58%; 6 tháng: +5,85%; 9 tháng: +6,52%, cả năm ước +7,57%); tăng trưởng GDP nằm trong top đầu các tỉnh, thành phố, cao gấp 1,5 lần bình quân chung cả nước. 11/12 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành, trong đó có 5/12 chỉ tiêu vượt kế hoạch; an ninh, xã hội được tập trung quan tâm, đời sống nhân dân ổn định và ngày càng được cải thiện… Đó là thành tựu lớn nhất, đáng tự hào của Hải Phòng.

 

PV: Triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009 khi có nhiều yếu tố không thuận, UBND thành phố hướng trọng tâm chỉ đạo, điều hành vào những vấn đề gì để đạt được kết quả  trên, thưa Chủ tịch?

 

Chủ tịch UBND thành phố: Mục tiêu trọng tâm của năm 2009 được xác định là tập trung cao, triển khai quyết liệt  nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện các Nghị quyết của Thành ủy, HĐND thành phố và chủ đề năm “Đẩy mạnh giải phóng mặt bằng và bảo đảm an sinh xã hội”… Những vấn đề này được xác định ngay từ đầu năm với 8 trọng tâm. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tập trung cao cho kích cầu đầu tư để phát triển. Hải Phòng tranh thủ được nhiều nguồn vốn kích cầu của Chính phủ và bổ sung được 1.109 tỷ đồng từ các gói kích cầu để đầu tư cho giao thông, thủy lợi, y tế, xã hội, giáo dục, văn hóa, thể thao, nhà ở sinh viên… Nguồn vốn hỗ trợ lãi suất được giải ngân nhanh với tổng số gần 10.000 tỷ đồng, góp phần khai thông nguồn vốn cho doanh nghiệp. Lãnh đạo thành phố tăng cường kiểm tra, giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, doanh nghiệp tại cơ sở; rà soát, công bố công khai bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền gồm 1.640 thủ tục thực hiện Đề án 30 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính; chỉ đạo thực hiện nghiêm các chính sách về miễn, giảm, giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thương mại tại nước ngoài kết hợp với quảng bá tuyên truyền và triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…  Cũng nhờ đó, nguồn thu ngân sách được bảo đảm, bù đắp được các nguồn thu bị thiếu hụt và bảo đảm các yêu cầu chi, kể cả chi đầu tư xây dựng cơ bản, chi thường xuyên và đột xuất. Trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn hẹp nhưng thành phố vẫn dành tới 333 tỷ đồng chi cho an sinh xã hội, chiếm 11,1% chi thường xuyên, cho thấy mục tiêu an sinh xã hội năm 2009 được quan tâm và thực sự có hiệu quả. Giáo dục - đào tạo, văn hóa - xã hội… đều đầu tư xứng đáng. Quốc phòng - an ninh được bảo đảm, trật tự an toàn giao thông giảm ở cả 3 chỉ số. Công tác điều hành, chỉ đạo của UBND thành phố có nhiều đổi mới, đặc biệt là áp dụng thành công hình thức hội nghị truyền hình trực tuyến mang lại hiệu quả cao hơn, trực tiếp hơn.

 

PV: Nhưng công tác giải phóng mặt bằng vẫn bị đánh giá là khâu yếu, nhiều ách tắc. Ý kiến của Chủ tịch về vấn đề này như thế nào?

 

Chủ tịch UBND thành phố: Hải Phòng khá quyết liệt trong lĩnh vực này và vì vậy, bước đầu giải quyết được một số dự án giải phóng mặt bằng tồn đọng từ nhiều năm qua như nút giao thông Quán Trữ, nút giao thông Quán Mau, Ngã Sáu- Máy Tơ…, tăng cường phân cấp và kiện toàn tổ chức làm công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng trên địa bàn theo mô hình tinh, gọn, chuyên nghiệp với 9 quận, huyện thành lập ban bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Các dự án trọng điểm như Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng (giai đoạn 2), đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Khu công nghiệp Đình Vũ (giai đoạn 2), Khu đô thị và công nghiệp Bắc Sông Cấm, Khu công nghiệp An Dương, đường Hồ Sen - Cầu Rào 2, Dự án nâng cấp đô thị, Dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn Hải Phòng giai đoạn 1... được quan tâm và chuyển biến rõ rệt. Trong năm 2009, phục vụ giải phóng mặt bằng 291 dự án, tổng chi phí đền bù 363,09 tỷ đồng để bồi thường cho 9.808 hộ; bố trí tái định cư 1.183 hộ; giải phóng mặt bằng 745,5ha, đã bàn giao chủ đầu tư 625ha. Tuy nhiên, theo yêu cầu, đúng là giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án còn là khâu yếu, nhiều khó khăn (mới phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 43% diện tích, giải phóng mặt bằng 35% diện tích và bàn giao chủ đầu tư 29% diện tích phải thu hồi; bố trí tái định cư 57% tổng số hộ đủ tiêu chuẩn). Nguyên nhân chủ yếu là chính sách đền bù không ổn định, quản lý nhà nước về đất đai tại các địa phương chưa chặt chẽ, năng lực của ban đền bù một số địa phương chưa đáp ứng  yêu cầu, ý thức  một số người dân về chấp hành kỷ cương pháp luật còn chưa tốt, do vậy cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn trong năm 2010.

 

PV: Vậy tại sao thành phố không tiếp tục chủ đề giải phóng mặt bằng mà chuyển sang “Tăng cường bảo vệ môi trường và  bảo đảm an sinh xã hội”, thưa Chủ tịch?

 

Chủ tịch UBND thành phố: Để thu hút đầu tư phát triển, công tác giải phóng mặt bằng vẫn tiếp tục được ưu tiên quan tâm chỉ đạo. Song, với định hướng phát triển chiến lược của thành phố, chủ đề “Tăng cường bảo vệ môi trường và  bảo đảm an sinh xã hội” là bao trùm, tập trung được những quan tâm của một xã hội phát triển. Đây là một vấn đề sống còn của nhân loại, là nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Thực ra, khi chọn chủ đề “Tăng cường bảo vệ môi trường”, Ban Thường vụ Thành ủy, BCH Đảng bộ thành phố phân tích, cân nhắc và lựa chọn khá kỹ để thấy được sự quan tâm, bức xúc nhất hiện nay của thành phố là môi trường. Tuy giải phóng mặt bằng, phát triển đô thị, phát triển nhân lực, xây dựng kỷ cương hay văn minh đô thị… cũng đều là những nội dung nóng hiện nay, song trong các lựa chọn vẫn cần phải xếp thứ tự ưu tiên. Sau một thời gian tập trung bằng mọi giá thu hút đầu tư cho phát triển, đã đến lúc cần quyết liệt hơn trong bảo vệ môi trường; tăng trưởng bền vững phải gắn với giữ gìn môi trường và Hải Phòng sẽ không chấp nhận tăng trưởng kinh tế với bất cứ giá nào. Bên cạnh đó, các vấn đề về biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang là mối đe dọa chung của toàn thế giới và thành phố cần có hành động thiết thực.

 

PV: An sinh xã hội năm 2010  có điểm gì mới, thưa Chủ tịch?

 

Chủ tịch UBND thành phố: Điểm mới trong giải quyết an sinh xã hội năm 2010 là thành phố sẽ quan tâm bảo đảm phúc lợi xã hội, sớm xác định chuẩn nghèo mới làm cơ sở điều chỉnh các mức hỗ trợ  hộ nghèo, mở rộng diện người cao tuổi được ngân sách hỗ trợ, quan tâm giải quyết tái định cư cho các hộ phải di dời, tạo việc làm và chuyển đổi nghề cho các hộ không còn đất canh tác, phát triển nhanh quỹ nhà chung cư, nhà ở xã hội cho công nhân, sinh viên và người có thu nhập thấp… Với những yếu tố đó, có thể khẳng định, chủ đề năm 2010 của Hải Phòng là đúng, trúng, đáp ứng được yêu cầu, mục đích của thành phố trong định hướng phát triển cả trước mắt và lâu dài.

 

PV: Chỉ tiêu tăng trưởng GDP 10% trở lên trong năm 2010 có quá cao so với mặt bằng chung, thưa Chủ tịch?

 

Chủ tịch UBND thành phố: Mục tiêu chính được thành phố đặt ra trong năm 2010 là dồn sức hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2006- 2010, tạo đà cho kế hoạch 5 năm tiếp theo, nên cần bứt phá mạnh mẽ. Trên cơ sở tính toán năng lực sản xuất, cung ứng dịch vụ của các ngành, tốc độ đầu tư và đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các dự án đang triển khai và những dự án mới trong năm 2010, khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển (khoảng 30.000 tỷ đồng), với ý chí, nghị lực, sự quyết tâm cao, năm 2010, thành phố có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GDP trên 10%. Hơn nữa, đây còn là  đòi hỏi của thực tế, bởi Hải Phòng phát triển không chỉ vì Hải Phòng mà còn vì cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vì cả nước.

 

PV: Vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế có được đặt ra từ năm 2010, thưa Chủ tịch?

 

Chủ tịch UBND thành phố: Trước thực tiễn phải thích ứng với toàn cầu hóa, yêu cầu nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững, Chính phủ sẽ cơ cấu lại nền kinh tế trong năm 2010. Đây là chủ trương lớn và kịp thời của Chính phủ. Thực hiện chủ trương đó, Hải Phòng là thành phố cảng, cửa ngõ ra biển của miền Bắc, đầu mối của “hai hành lang,  một vành đai” phát triển kinh tế với phía Nam Trung Quốc,  thành phố phải chủ động cơ cấu lại nền kinh tế hướng đến giai đoạn phát triển cao hơn, trong đó tăng trưởng phải dựa vào nâng cao năng suất, chất lượng; các ngành công nghiệp chế biến có hàm lượng sử dụng vốn và công nghệ nhiều hơn sẽ thay thế các ngành thiên về khai thác tài nguyên và sử dụng nhiều lao động rẻ; tăng cầu nội địa và giảm sự lệ thuộc vào bên ngoài. Kinh tế cả nước và kinh tế thành phố nói riêng đang phát triển theo chiều rộng, dựa nhiều vào gia tăng quy mô đầu tư với hiệu quả đầu tư còn thấp, đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp còn nhỏ. Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng này và gia tăng sử dụng các nguồn lực và tài nguyên không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, bởi khả năng huy động thêm vốn đầu tư, số lượng lao động dần tới giới hạn. Nếu không cải thiện được hiệu quả đầu tư, tốc độ tăng trưởng tới đây sẽ không thể duy trì như những năm vừa qua, và có nguy cơ giảm dần. Như vậy, thay đổi mô hình phát triển, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất và hiệu quả sử dụng các nguồn lực, nhất là vốn đầu tư, trở thành nhiệm vụ cấp bách.

 

PV: Tại một số diễn đàn, Chủ tịch cho rằng, hai căn bệnh khó có khả năng khắc phục đối với các nhà quản lý là sai quy hoạch và ô nhiễm môi trường. Vấn đề này được giải quyết như thế nào trong năm 2010 và những năm tiếp theo, thưa Chủ tịch?

 

Chủ tịch UBND thành phố: Về giải quyết 2 vấn đề về sai quy hoạch và bảo vệ môi trường, trước mắt thành phố sẽ chỉ đạo triển khai nhanh Quyết định số 1448 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn tới năm 2050 bằng các đề án, dự án cụ thể; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, quan hệ đối ngoại, đối tác với nước ngoài; thực hiện “hai  hành lang, một vành đai và “một trục, hai cánh” phát triển kinh tế, đô thị với phía Nam Trung Quốc. Cần nhận thức rõ, phát triển đô thị chính là phát triển kinh tế và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Hải Phòng lần này là hướng tới sự phát triển đô thị bền vững, là đô thị có sức cạnh tranh, có sức sống và giàu giá trị nhân văn. Đô thị Hải Phòng cần có sức cạnh tranh bởi quá trình đô thị hóa hiện nay không thể tách rời khỏi xu hướng toàn cầu hóa và cùng với quá trình này, một loạt các vấn đề tất yếu khác nảy sinh, cả cơ hội lẫn thách thức, và phải tìm cách nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức. Hơn nữa, để đô thị có sức cạnh tranh mà không đánh mất bản sắc, nhất thiết phải tạo sức sống cho đô thị. Sức sống đó trước hết  được tạo dựng từ việc gìn giữ hình ảnh đặc trưng của đô thị Hải Phòng. Đây  là điều kiện để sinh ra những giá trị nhân văn  cho đô thị. Những giá trị đó là đô thị xanh, sạch, đô thị văn hóa, đô thị lịch sử và đô thị sinh thái… Tôi muốn nhấn mạnh như vậy, bởi tất cả  vấn đề này  được giải quyết nếu thực hiện đúng quy hoạch, và vì vậy, Hải Phòng đặt quyết tâm thực hiện và quản lý tốt quy hoạch.

 

Về môi trường, sẽ có biện pháp mạnh hơn để bảo vệ, giải quyết các điểm bức xúc về môi trường, ô nhiễm, lồng ghép các chỉ số bảo vệ môi trường trong nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2010, yêu cầu phải có đánh giá tác động môi trường chiến lược ( ĐMC), đánh giá tác động môi trường ( ĐTM), thu hút đầu tư gắn với thực hiện danh mục ưu đãi, khuyến khích đầu tư và không khuyến khích đầu tư…  Bên cạnh đó tích cực ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra; sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học; khắc phục ô nhiễm môi trường, trước hết ở những nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng Hải Phòng trở thành một thành phố sinh thái, có môi trường tốt, có sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường; mọi người có ý thức bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên.

 

PV: Thủ tục hành chính, thủ tục xây dựng cơ bản, giải ngân các nguồn vốn, thủ tục đầu tư… đang được coi là những “điểm nghẽn” của nền kinh tế. Thưa Chủ tịch, các “điểm nghẽn” này được xử lý như thế nào trong năm 2010?

 

Chủ tịch UBND thành phố: Thành phố nhìn thấy vấn đề này và tiếp tục có sự đổi mới trong chỉ đạo điều hành với mục tiêu chống chậm, nâng cao trách nhiệm, rõ cơ chế. Cải cách hành chính được thúc đẩy mạnh mẽ hơn để cắt giảm ít nhất 30% số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền thành phố trên cơ sở phản hồi của doanh nghiệp, người dân. Số liệu thống kê cho thấy, qua rà soát, thành phố công bố 1.640 bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, trong đó cấp huyện 286 thủ tục, cấp xã 204 thủ tục, cấp sở, ngành: 1.150 thủ tục (thuộc 19 sở ngành). Thành phố sẽ nâng cao chất lượng phục vụ và hiện đại hóa các bộ phận “một cửa” ở tất cả  sở, ngành, đơn vị và thực hiện một cửa liên thông ở tất cả quận, huyện, thiết thực giải quyết các “ điểm nghẽn”.

 

PV: Thành phố sẽ chào đón 55 kỷ niệm năm  giải phóng Hải Phòng bằng những công trình cụ thể nào, thưa Chủ tịch?

 

Chủ tịch UBND thành phố: Sẽ có nhiều công trình trọng điểm được khởi công, khánh thành, hoàn thành trong năm 2010, chào mừng kỷ niệm các sự kiện lớn của thành phố và đất nước. Cụ thể, có 8 dự án khởi công như Khu đô thị công nghiệp và dịch vụ Bắc Sông Cấm, dự án xây dựng hai bến khởi động cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, xây dựng Cầu Rào 2; tượng đài chiến thắng Cát Bi; đường bao phía đông nam quận  Hải An; Bệnh viện Việt-Tiệp cơ sở 2 tại xã An Đồng; Khu đào tạo và nghiên cứu trường Đại học Y Hải Phòng; xây dựng một số khu tái định cư thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng. 8 dự án khánh thành dự kiến trong năm 2010 là cầu Khuể, Khu di tích Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Trung tâm dưỡng sinh và phục hồi sức khỏe cán bộ, đường trục Khu công nghiệp Đình Vũ, dự án xây dựng Cửa ô phía Tây Bắc thành phố (công viên Nô- mu- ra Hải Phòng giai đoạn 2), dự án Tổ hợp resort Sông Giá giai đoạn 1, Nhà máy sản xuất động cơ tua-bin gió GE (trong KCN Nô-mu-ra Hải Phòng); đường nối Cầu Rào 2- nút giao đường Nguyễn Văn Linh…

 

Với nhiều yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, tôi tin tưởng , có sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, sự lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự  hưởng ứng nhiệt tình của các ngành, cấp,  địa phương, năm 2010, chắc chắn Hải Phòng  nâng tầm hơn nữa vị thế của mình, vươn lên mạnh mẽ với sức bật mới.

 

Nhân dịp năm mới 2010, qua Báo Hải Phòng, tôi gửi lời chúc mừng năm mới tới các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Chúc một năm mới vững vàng trước mọi sóng gió, thành công và hiệu quả.

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

 

Hồng Thanh thực hiện

Đọc thêm