Năm 2011, điện ảnh Việt khởi sắc

Điện ảnh Việt Nam đang đứng trước một năm thăng hoa khi hàng loạt dự án phim đang lần lượt được công bố.

Điện ảnh Việt Nam đang đứng trước một năm thăng hoa khi hàng loạt dự án phim đang lần lượt được công bố. Theo một số thông tin chính thức và chưa chính thức, trong năm nay sẽ có khoảng 20 phim nội do các hãng phim tư nhân sản xuất, tức là trung bình gần hai phim mỗi tháng, chưa kể những bộ phim được làm từ kinh phí nhà nước. Đây quả là một bước phát triển ngoạn mục nếu so với 10 năm trước, khi mà phim Việt chỉ “dám” lộ diện vào dịp tết, hay ngay cả với năm ngoái, vài ba tháng mới có một phim Việt ra mắt. Phong phú phim Việt Tính sơ những bộ phim đã có kế hoạch phát hành, có thể kể đến hai dự án được dời lại từ năm ngoái, gồm Hotboy nổi loạn hay là câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và Chân dài hành động của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Hai phim này do BHD và Galaxy sản xuất, dự kiến sẽ được phát hành vào dịp Tết 2012. Ngoài những đơn vị làm phim tết truyền thống như BHD, Galaxy, Phước Sang, những hãng phim mới như Saiga Films, Saigon Media, LBT Entertainment, Sailywood Films… cũng sẽ không bỏ qua thị trường phim Tết. Vẫn chủ trương chắc ăn, đa số các nhà sản xuất “né” mùa hè, nhường lãnh địa cho phim “bom tấn” Hollywood. Dù vậy, vẫn còn quá nhiều đất cho phim Việt. Những kỳ nghỉ lễ 30/4, 2/9 hay mùa giáng sinh… là mảnh đất màu mỡ cho phim Việt tung hoành. Hiện đã có 2 phim dự kiến ra mắt vào dịp 30/4 là phim ma của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên Rh108 (hãng phim Galaxy) và Lệnh xóa sổ (Hoàng Trần films sản xuất, BHD phát hành). Nếu Rh108 “nóng” ngay từ vòng casting với việc tìm người đóng vai một cô bé đa nhân cách, lúc thì vô cùng dễ thương, lúc lại hết sức đáng sợ, thì Lệnh xóa sổ hứa hẹn mãn nhãn khán giả bằng những pha hành động không thua Hollywood.
Mô tả ảnh.
Lệnh xóa sổ là một trong những dự án phim sớm ra mắt trong năm 2011. 
Trong khi đó, đạo diễn Việt kiều Charlie Nguyễn lại chọn dịp 2/9 để “xuất chiêu” với phim Long ruồi. Bộ phim hài này đánh dấu sự trở lại của “cây cười” Thái Hòa. Chàng Hội trong Để Mai tính sẽ vào vai một chàng khờ quê mùa, vì có ngoại hình giống một tên trùm xã hội đen nên được thuê để thế thân. Và nhiều rắc rối, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng đã xảy ra mà anh ta không lường được. Đó là chưa kể nhiều dự án đang được triển khai nhưng chưa chính thức công bố. Sau Giao lộ định mệnh, đạo diễn Victor Vũ tiết lộ tiếp tục làm bộ phim thứ hai thuộc thể loại huyền bí. Những dự án đưa truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lên màn ảnh rộng gồm Sầu trên đỉnh Puvan, Khói trời lộng lẫyNước như nước mắt cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị.Vui mừng và thách thức Sự quan tâm đặc biệt của công chúng có lẽ là động lực lớn nhất để các nhà sản xuất đầu tư cho phim Việt. Năm ngoái, Để Mai tính, Giao lộ định mệnh, Khát vọng Thăng Long, Cánh đồng bất tận… đều mang lại doanh thu cao mà không cần phải chiếu vào dịp Tết. Với sự phát triển của điện ảnh Việt, bên cạnh những người làm nghề, khán giả đương nhiên cũng hưởng lợi khi có nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, sự ra đời ồ ạt của phim nội cũng có thể đặt ra nhiều thách thức. Đó là cuộc đua giành khán giả giữa các phim Việt với nhau và giữa phim Việt với phim ngoại. Bởi phim Việt giờ đây không còn là của hiếm, lạ giữa rừng phim ngoại nữa. Tuy nhiên, theo ông Phạm Việt Anh Khoa, Giám đốc Saiga films, vấn đề không nằm ở việc cạnh tranh khán giả mà suy cho cùng vẫn là chất lượng phim. Trước đây, khó khăn lớn nhất của phim Việt chính là rạp chiếu. Phim làm ra không tìm được nơi phát hành bởi hệ thống các rạp quá thiếu và yếu. Cho nên để có được rạp tốt, đơn vị phát hành phải trả một cái giá không hề rẻ. Nhưng giờ đây, với việc các cụm rạp mọc lên ngày càng nhiều, nỗi lo thiếu rạp không còn nữa. “Chỉ cần làm phim có chất lượng thì không sợ gì chuyện không có rạp chiếu. Và đương nhiên, phim hay, rạp tốt thì chắc chắn sẽ có khán giả”, ông Khoa nói. Còn theo ông Châu Quang Phước, phụ trách truyền thông BHD, các chủ rạp chiếu, các nhà phát hành hiện nay có xu hướng hợp tác với nhau hơn là đối đầu để loại bỏ nhau. Cho nên sẽ không còn chuyện đặt ra những tiêu chuẩn quá cao để “ép” khách hàng, bởi làm như vậy có nghĩa là tự loại mình khỏi cuộc chơi chung.
Theo Kim Vân
Đất Việt

Đọc thêm