Năm 2011 sẽ chỉ có một đợt thi đại học

"Dự kiến, 2011, chỉ tập trung thi tuyển sinh ĐH một lần với một số môn quy định cụ thể để xét tuyển. Hiện nay đang tách khối A thi riêng đợt thì sắp tới có thể 4 khối A,B,C,D thi chung 1 đợt nhưng chỉ duy trì một kỳ thi để lấy kết quả xét tuyển vào tất cả các trường ĐH, CĐ....", tân Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí sáng 1/9.

"Dự kiến, 2011, chỉ tập trung thi tuyển sinh ĐH một lần với một số môn quy định cụ thể để xét tuyển. Hiện nay đang tách khối A thi riêng đợt thì sắp tới có thể 4 khối A,B,C,D thi chung 1 đợt nhưng chỉ duy trì một kỳ thi để lấy kết quả xét tuyển vào tất cả các trường ĐH, CĐ....", tân Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí sáng 1/9.

Địa phương cùng giám sát

Thứ trưởng Bùi Văn Ga trả lời báo chí sáng 1/9 (Ảnh Tiến Dũng
- Thưa Thứ trưởng, tại hội nghị tổng kết năm học 2009 - 2010 khối giáo dục ĐH nhiều ý kiến đề nghị giao tự chủ cho các trường trong công tác tuyển sinh ĐH. Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Việc Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh hiện nay dựa trên năng lực của các trường. Và Bộ đã giao hết công suất không thể vượt qua ngưỡng đó để đảm bảo chất lượng được. Nếu xóa bỏ việc giao chỉ tiêu tuyển sinh để các trường tự quyết thì trường tuyển ồ ạt thì rất khó trong việc đảm bảo chất lượng.

Chúng ta đào tạo phải cam kết có chất lượng chứ đào tạo xong SV ra trường không làm được gì thì không thể coi là thành công trong đào tạo được. Sắp tới, trên cơ sở chuẩn đầu ra các trường xây dựng Bộ sẽ nghiên cứu để ban hành "kiến thức sàn" cho SV tốt nghiệp.

- Chủ trương giảm tải công việc của Bộ GD-ĐT, cụ thể là phân cấp quản lý các trường ĐH, CĐ cho các địa phương cùng giám sát đang được triển khai như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang soạn thảo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc phân cấp cho các địa phương. Thực tế, việc quản lý chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất các trường ĐH, CĐ nằm trên địa bàn của các địa phương thì địa phương cũng phải có trách nhiệm tham gia quản lý với Bộ.

Có địa phương tham gia giám sát sẽ sâu sát hơn. Chứ Bộ quản lý, thẩm tra, giám sát với số lượng trường ĐH, CĐ gần 400 - quá nhiều trường không thể giám sát được.

Vì vậy, khi chuyển việc kiểm tra, giám sát về địa phương có trường ĐH, CĐ để cùng tham gia với Bộ GD-ĐT để giám sát về số lượng giáo viên, cơ sở vật chất, đất đai...

Mà cách làm của Bộ là nhìn trên giấy tờ họ báo cáo thì không thực, sau này trường báo cáo bao nhiêu giáo viên, cơ sở vật chất như thế nào phải có xác nhận của địa phương.

Sẽ còn một đợt thi ĐH

- Nhiều ý kiến cho rằng, phương án tuyển sinh lúc cần có những thay đổi. Thứ trưởng có thể cho biết, mùa thi năm tới sẽ có những thay đổi cụ thể thế nào hay vẫn giữ ổn định như phương án đang triển khai?

Hiện nay, cũng chưa có thay đổi lớn trong tuyển sinh. Sắp tới Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị lấy ý kiến các trường ĐH, CĐ cũng như là các Sở GD-ĐT và cả xã hội để chọn phương án tuyển sinh như thế nào cho hợp lý.

Dự kiến, sẽ có một cách tiếp cận khác về tuyển sinh. Có thể chỉ tập trung thi tuyển sinh 1 lần với một số môn quy định cụ thể để xét tuyển. Ví như, có thể CĐ sẽ không tổ chức riêng đợt tuyển sinh mà xét tuyển từ kết quả thi ĐH vào trường. Hoặc hiện nay đang tách khối A thi riêng đợt thì sắp tới có thể 4 khối A,B,C,D thi chung 1 đợt nhưng chỉ duy trì một kỳ thi để lấy kết quả xét tuyển vào tất cả các trường.

Như vậy, thay vì tổ chức 3 đợt thi ĐH, CĐ còn một đợt thì gánh nặng đổ lên gia đình và học sinh sẽ giảm đi.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội thảo rộng rãi để nghe các cán bộ quản lý giáo dục và xã hội hiến kế, vì vấn đề này liên quan đến từng gia đình.

- Như vậy sắp tới sẽ còn một kỳ thi nhưng đó là kỳ thi chung của ĐH chứ không phải là kỳ thi THPT quốc gia...

Bộ GD-ĐT chưa có ý kiến gì về việc chọn kỳ thi nào. Nhưng đây có thể là định hướng để có cải cách tuyển sinh cho phù hợp để tuyển được những học sinh có chất lượng vào các trường ĐH.

Nếu chọn phương án tổ chức 1 kỳ thi THPT quốc gia thì với những trường có yêu cầu cao cũng sẽ có phỏng vấn đầu vào phù hợp với ngành nghề đào tạo. Các nước cũng vậy, trên cơ sở 1 kỳ thi chung thì sẽ có phương án kiểm tra chất lượng đầu vào tùy theo ngành nghề đào tạo.

Điểm sàn không thể bỏ được

- Với những dự kiến cải tiến tuyển sinh vào năm tới Thứ trưởng vừa nêu ra thì việc quy định mức điểm sàn cho từng khối liệu có bỏ không?

Điểm sàn không thể bỏ được - vì điểm sàn chung để kiểm tra chất lượng là điều kiện cần thiết để kiểm tra chất lượng đầu vào. Nếu bỏ điểm sàn thì tất cả thí sinh sẽ vào học ĐH, CĐ hết thì rất khó kiểm soát chất lượng.

Nghị quyết 50 của Quốc hội cũng nêu rõ là phải đảm bảo chất lượng. Như vậy phải kiểm tra chất lượng đầu vào, nếu bỏ điểm sàn sẽ không loại trừ các trường sẽ tuyển đầu vào với bất cứ mức điểm nào thì sẽ không có chất lượng nhất định. Hiện nay, điểm sàn Bộ GD-ĐT đã tính toán đảm bảo nguồn tuyển cho các trường.

- Ông đánh giá như thế nào về công tác nghiên cứu khoa học của các trường ĐH Việt Nam hiện nay?

Về công tác nghiên cứu khoa học từ xưa đến nay còn rất yếu. Chính vì vậy chưa có trường ĐH nào của Việt Nam được xếp hạng. Để được xếp hạng đòi hỏi phải có công trình nghiên cứu tầm cỡ thế giới - là yếu tố để đánh giá.

Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu khoa học như cơ sở vật chất lạc hậu, đội ngũ giáo viên quá tải, dạy quá nhiều nên không có thời gian nghiên cứu. Cách tiếp cận, phương tiện nghiên cứu khoa học còn nhiều khó khăn. Do đó, Bộ GD-ĐT có chủ trương các chương trình tiên tiến, các chương trình chất lượng cao vào đào tạo ĐH, sau ĐH để buộc các trường phải có gắn kết với nghiên cứu khoa học...Việc này nhằm dần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học thành một hoạt động trọng yếu của các trường ĐH.

Nếu các trường không có nghiên cứu khoa học thì không tiến tới xếp hạng các trường ĐH trên thế giới được.

- Thứ trưởng nhận định như thế nào khi có ý kiến cho rằng, đang có sự bất bình đẳng giữa loại hình trường công lập và ngoài công lập trong hệ thống giáo dục ĐH?

Theo quy định của Luật Giáo dục thì không có sự bất bình đẳng nào vì bằng tốt nghiệp ra trường được công nhận như nhau, chương trình học, người học được bình đẳng như nhau nên không có sự bất bình đẳng nào ở đây.

Chỉ khác nhau về đầu tư cơ sở vật chất. Cụ thể là các trường ngoài công lập thì không được nhà nước đầu tư, còn các trường công lập thì được hưởng sự ưu đãi của nhà nước như đất đai, được đầu tư một phần ngân sách...

Tuy nhiên, các trường ngoài công lập đã sử dụng nguồn lực lớn đội ngũ là giảng viên của các trường công lập. Chứ nếu để trường dân lập tự xoay sở đội ngũ thì cũng rất khó khăn.

Cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: VietNamnet

Đọc thêm