(PLO) - Vì mưu sinh, nhiều người mẹ, người vợ đã phải gạt nước mắt ra đi. Tiền kiếm được dù ít hay nhiều cũng không thể nào lấp đầy được những “khoảng trống” mà họ để lại sau lưng cho gia đình, cho những đứa con. Bên cạnh đó, sự thờ ơ của chính những người thân, của xã hội càng như khoét sâu thêm “khoảng trống” đó.
Đánh đổi nụ cười của con
Câu chuyện của bé Nguyễn Minh T. (sinh năm 2007) ở Kinh Môn, Hải Dương bị đánh đập đầy thương tích, gẫy xương sườn và bỏ rơi ngoài nghĩa địa là một minh chứng rõ nét nhất cho bi kịch của những “khoảng trống” mà nhiều người phụ nữ đã và đang đành lòng bỏ lại vì cuộc mưu sinh.
Bé Nguyễn Minh T. là con của anh Nguyễn Doãn Thắng và chị Nguyễn Thị Hòa.Vợ chồng ly dị, bé T. ở với mẹ. Nhưng rồi cuộc sống khó khăn nên chị phải đi làm ăn xa, để con ở lại nhà ông bà nội. Cách đây một tháng, cháu T. được đón về ở với bố đẻ và mẹ kế. Kết quả khám tại Bệnh viện huyện Kinh Môn cho thấy cháu T bị gãy xương sườn số 6, có nhiều vết bầm tím ở vùng hông, cổ có nhiều vết xước.
Ông Dương Văn Mẫn - Chủ tịch UBND xã Phạm Mệnh cho biết, ông đã trò chuyện với cháu T. khi không có mặt bố và mẹ kế cháu đã tố cáo các vết thương này do bố đẻ và mẹ kế gây ra.
Câu chuyện buồn của bé T. chỉ là một trong rất nhiều ví dụ khi ngày càng có nhiều người phụ nữ phải đánh đổi hạnh phúc gia đình vất vả mưu sinh xa quê. Xã Hộ Độ, Lộc Hà, Hà Tĩnh có hơn 1.777 hội viên phụ nữ thì 60% trong số đó làm nghề cửu vạn hay làm thuê ở các vùng khác vì thiếu đất sản xuất và không có việc làm ổn định. “Dù biết là mẹ đi vắng thì 4 đứa con ở nhà sẽ không ai chăm sóc nhưng cũng phải đi, không đi thì càng khổ” là tâm sự của một bà mẹ. Đó là chưa kể những hệ lụy khác như trục trặc gia đình, ly hôn...
Chị Dương Thị Đào - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho biết: “Các gia đình ly hôn, thường xuyên bất hòa phần lớn rơi vào các chị em đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Trong xã, có 5 trường hợp đi XKLĐ trở về thì ly hôn, 6 trường hợp gia đình trục trặc, thường xuyên bất hòa”.
Sự thờ ơ khoét sâu thêm “khoảng trống”
Rõ ràng, sự ra đi của những người phụ nữ, dù biết rằng để thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhưng hệ lụy vẫn khiến người ta trăn trở. Bởi, thực tế cho thấy các gia đình có vợ, mẹ vắng nhà thường có nguy cơ tan vỡ cao hơn, con cái thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người mẹ cũng dễ hư hỏng hơn. Trong khi đó, sự thờ ơ của chính những người thân, của cộng đồng xã hội càng như khoét sâu thêm “khoảng trống” đó.
Trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo “Vai trò của cha mẹ trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”, ông Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: “Theo tôi, vai trò của gia đình vẫn là quan trọng nhất. Trong trường hợp bà mẹ phải đi lao động xa nhà như những bà mẹ ở miền Bắc vào các khu công nghiệp ở phía Nam làm việc hay những bà mẹ đi XKLĐ để con lại ở nhà cho bố và ông bà thì trước hết ta phải nói đến vai trò của những người thân trong gia đình, vai trò của người cha, người ông, người bà đối với đứa bé đó. Sau đó mới nói đến vai trò của các đoàn thể, hội ở cộng đồng”.
Theo ông An, hiện nay tình cảm gia đình đang bị coi nhẹ, thêm vào đó là sự thờ ơ, vô cảm của cộng đồng khiến cho nhiều em bé bị bạo lực, bị bỏ rơi, bị xao nhãng khi người mẹ phải lăn lộn kiếm sống ở địa phương xa nhà, đất nước xa quê.
“Tôi không muốn vơ đua cả nắm nhưng thực tế cho thấy, từ trước đến nay chúng ta trông vào nhiều tổ chức đoàn, hội ở địa phương để hỗ trợ gia đình nhưng nhiều tổ chức chỉ nói mà không làm, hoặc hiệu quả việc làm hỗ trợ gia đình rất thấp, rất ít. Làm thế nào để tăng cường vai trò của các hội này lên là điều chúng ta cần suy nghĩ” – ông Nguyễn Trọng An nhấn mạnh.