“Lợi bất cập hại” chuyện dùng thẻ hướng dẫn viên giả
Theo Sở Du lịch TP HCM, từ đầu năm 2019 đến nay, lượng khách quốc tế đến TP HCM ước đạt hơn 2,2 triệu lượt, với tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 40.000 tỷ đồng, hoàn thành 26,6% kế hoạch năm 2019. Nhưng chỉ trong 5 tháng đầu năm 2019, TP HCM phát hiện và xử phạt 23/276 trường hợp sử dụng thẻ HDV giả, thanh tra Sở Du lịch TP HCM quyết định lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính một số doanh nghiệp vì sai phạm trong dẫn tour.
So sánh lượt khách với số lượng HDV hiện có, dễ thấy sự chênh lệch khá lớn, “cung” không đủ đáp ứng “cầu”. Số liệu thống kê của Sở Du lịch TP HCM còn chỉ ra sự mất cân đối cơ cấu HDV du lịch, thiếu hụt các thị trường: Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Nga… Thực trạng trên khiến nhiều đơn vị lữ hành phải sử dụng HDV thời vụ hoặc thuê người nước ngoài dù Luật Du lịch Việt Nam không cho phép. Để qua mắt cơ quan chức năng, các công ty, doanh nghiệp lữ hành còn làm thẻ giả, chi tiền “bảo kê”, hoặc thuê người Việt để kịp thời ứng phó, lách luật.
Điều này có thể đáp ứng lưu lượng khách trước mắt, nhưng lâu dài sẽ để lại hệ lụy lớn với du lịch Việt Nam. Trong nghiên cứu về quản lý hướng dẫn viên du lịch, Tổng giám đốc Vietrantour Đinh Nguyệt Ánh chỉ ra những bất cập như: việc HDV đưa du khách vào những điểm mua sắm không có trong lịch trình tour, mời chào khách tham gia những chương trình tự chọn đã có sự móc nối từ trước giữa HDV và các cơ sở này để ăn “hoa hồng” từ số tiền du khách mua hàng tại đó. Điều đáng nói là giá cả các mặt hàng tại những điểm ngoài lịch trình này đã bị đẩy lên cao gấp nhiều lần so với thực tế và gần không có sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước.
Mặt khác, HDV nước ngoài có thể vô tình nói sai lịch sử Việt Nam hoặc cố tình cài cắm, tuyên truyền thông tin lịch sử, chính trị phản cảm ở các địa danh. Thực trạng trên tạo sự cạnh tranh thiếu công bằng, làm mất cơ hội, “đất dụng võ” cho những HDV Việt Nam có năng lực, tâm huyết với nghề.
Nan giải con đường quản lý và xử phạt
Theo quy định của Luật Du lịch 2017, điều kiện cấp thẻ HDV du lịch phải đáp ứng một số điều kiện, trong đó hướng dẫn viên phải “có quốc tịch Việt Nam”, “thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”. Như vậy, theo luật thì người nước ngoài không được làm HDV du lịch tại Việt Nam.
Tuy nhiên, công tác quản lý và xử phạt còn bất cập, gặp nhiều khó khăn do thị trường lớn trong khi nguồn lực cơ quan quản lý lại có hạn. Không khó để bắt gặp những đoàn du lịch nước ngoài, dẫn tour bởi HDV không có thẻ hành nghề, chưa được cấp phép hành nghề, không đeo biển hiệu, phù hiệu theo quy định tại những điểm tham quan trọng điểm. Họ thuyết minh bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, thoải mái cầm cờ, gắn micro và không đeo thẻ. Nhưng khi cơ quan chức năng mời làm việc, thì những HDV này nhanh chóng cuốn cờ, dừng thuyết minh, lảng tránh hoặc bỏ đi.
Vì thế để giải quyết triệt để vấn đề này, cơ quan, ban ngành chức năng cần tăng cường, bổ sung nghị định, luật, thực hiện nghiêm chỉnh công tác thanh, kiểm tra, giám sát. Đặc biệt phải xử lý nghiêm đối với các trường hợp HDV làm giả thẻ hành nghề, nặng nhất có thể tiến hành trục xuất hay cấm hành nghề đối với HDV người Việt.
Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó hướng dẫn viên được xem như là những vị “đại sứ” du lịch của mỗi quốc gia. Mặt khác thực tế lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, đa dạng, mở ra thị trường lớn cho đội ngũ hướng dẫn viên trong nước. Để đạt được mục tiêu kể trên, ngoài việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, việc chấn chỉnh các hoạt động du lịch trái phép cũng đáng quan tâm, góp phần tạo ra môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, nghiêm minh và công bằng.