Năm 2020: Nhiều “ông lớn” dầu khí, điện, giao thông nằm trong “tầm ngắm “của Kiểm toán nhà nước

(PLVN) -Theo Kế hoạch kiểm toán năm 2020, nhiều tập đoàn, Tổng công ty (TCT) nhà nước nằm trong danh sách kiểm toán năm 2020 có “họ” dầu khí, điện, giao thông, trong đó có  nhiều chuyên đề kiểm toán đang được dư luận xã hội quan tâm …
UDIC. một trong số "tổng" giao thông nằm trong danh sách kiểm toán năm 2020
UDIC. một trong số "tổng" giao thông nằm trong danh sách kiểm toán năm 2020

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc vừa ký và ban hành quyết định số 1866/QĐ-KTNN về “Kế hoạch kiểm toán năm 2020” của KTNN.

Theo đó, trong năm 2020 KTNN sẽ tập trung kiểm toán 158 cuộc kiểm toán, ngoài kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước tại Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, KTNN sẽ kiểm toán 16 Bộ, cơ quan TW và 40 tỉnh, TP trực thuộc TW; 9 cuộc kiểm toán hoạt động; 21 cuộc kiểm toán chuyên đề; 40 dự án (DA đầu tư xây dựng; 16 cuộc kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng và các Tập đoàn, TCT Nhà nước; 9 cuộc kiểm toán lĩnh vực quốc phòng an ninh và 6 cuộc kiểm toán lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng.

Theo Tổng KTNN, năm 2020 số cuộc kiểm toán của KTNN giảm khoảng 20% so với năm 2019 để tập trung nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, tổ chức đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng kiểm toán; bố trí đủ thời gian hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ khác trong năm 2020.

KTNN lựa chọn một số chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng, được dư luận xã hội quan tâm để tổ chức thực hiện kiểm toán, nhằm đánh giá toàn diện việc hiện hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuyên suốt từ TW đến địa phương; đặc biệt là việc thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. 

“Kế hoạch kiểm toán 2020 của KTNN đảm bảo tính minh bạch trong xác định, lựa chọn đầu mối đơn vị được kiểm toán, nhằm phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra và các cơ quan chức năng khác để tránh trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và kiểm toán. Mặt khác đảm bảo kết hợp hài hòa giữa kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động” – Tổng KTNN cho biết.

Trong lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, KTNN sẽ thực hiện 15 cuộc kiểm toán, gồm: Ngân hàng nhà nước; 12 Tập đoàn, TCT Nhà nước và 03 ngân hàng thương mại. 

Các Tập đoàn, TCT Nhà nước được KTNN lựa chọn kiểm toán có quy mô phù hợp để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2019 kết hợp với việc đánh giá công tác tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. 

Trọng tâm kiểm toán là Tập đoàn, TCT Nhà nước; đánh giá thực trạng công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán; đánh giá các hoạt động quản lý, bảo đảm phát triển lành mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước như: Đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu… 

Theo đó, TCT Xây dựng Hà Nội; TCT Điện lực TP HCM; TCT Điện lực Dầu khí Việt Nam, TCT Dầu Việt Nam, TCT cổ phần kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, TCT cổ phần Vận tải Dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; TCT Điện lực miền Trung, TCT hạ tầng mạng, TCT cổ phần Bảo hiển Bảo Minh; TCT Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội; TCT Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị Udic; TCT địa ốc Sài Gòn; TCT cấp nước Sài Gòn; TCT Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn; TCT Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam sẽ được KTNN thực hiện kiểm toán.

Đặc biệt, trong số 21 cuộc kiểm toán chuyên đề; 40 DA đầu tư xây dựng năm 2020 có nhiều chuyên đề, DA liên quan đến linh vực điện, giao thông.

Trong lĩnh vực điện có: Hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn tại TCT Truyền tải điện Quốc gia và TCT Điện lực Miền Nam giai đoạn 2017 – 2019; DA Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng; DA Đường dây 500kV Nhiệt điện Long Phú - Ô Môn; DA đầu tư xây dựng công trình Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 và DA đầu tư các hạng mục Cơ sở hạ tầng Trung tâm điện lực Long Phú; DA đầu tư xây dựng công trình Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 và DA đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Sông Hậu 1...

Tuy nhiên, nhiều nhất là các DA trong lĩnh vực giao thông, tiêu biểu là: Các DA đường sắt và các DA đường bộ quan trọng, cấp bách theo Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH14 ngày 31/7/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; DA đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai III; DA Mở rộng đường vành đai III đoạn Mai Dịch - Nội Bài; DA xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai II đoạn cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng; DA đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây; DA hầm đường bộ Đèo Cả - Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa; DA Tín dụng ngành Giao thông vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2; DA xây dựng Đường giao thông liên kết các vùng phát triển kinh tế - xã hội phía Đông tỉnh Hà Giang giáp ranh tỉnh Cao Bằng; DA Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; DA tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; DA cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh;DA phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 - Xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng; DA đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn….

Theo KTNN, năm 2020 là KTNN sẽ đổi mới phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán để giảm thời gian kiểm toán; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của KTNN và phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Đọc thêm