Năm 2022 Bộ VHTTDL cần thực hiện thu âm nhiều bản phối khí khác nhau của Quốc ca

(PLVN) -Nhìn lại năm 2021 - năm thứ hai “chung sống” với dịch bệnh COVID-19, ngành VHTTDL đã thích ứng nhanh nhạy hơn để vượt qua rất nhiều khó khăn, giành được nhiều kết quả nổi bật, toàn diện, có dấu ấn.
Nhà hát online đã phát 10 số với chủ đề “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”.

Điển hình là ngành nghệ thuật biểu diễn đã triển khai rất hiệu quả nhiều chương trình nghệ thuật phù hợp tình hình mới. Mô hình hoạt động biểu diễn Nhà hát online đã phát 10 số với chủ đề “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” trên các kênh YouTube và nền tảng mạng xã hội.

Các đoàn nghệ thuật trung ương đã dàn dựng 50 chương trình, 382 buổi biểu diễn. Một số đơn vị nghệ thuật tại các tỉnh thành đã chuyển đổi hình thức biểu diễn trực tiếp thành sân khấu online, các chương trình nghệ thuật được dàn dựng và phát sóng trên truyền hình, livestream trên các kênh fanpage, các kênh truyền hình trong nước.

Không chỉ ngành nghệ thuật biểu diễn có sự chuyển hướng, thích ứng hiệu quả với dịch Covid-19, mà ngành thư viện, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, hoạt động triển lãm… cũng có nhiều sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số.

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lượng khách đến các điểm di tích, bảo tàng trên cả nước trong năm 2021 đều sụt giảm từ 85-90% so với năm 2019. Song, nhiều đơn vị đã đổi mới sáng tạo hình thức hoạt động, tổ chức chương trình tham quan thực tế ảo 3D, trưng bày trực tuyến để phục vụ khách tham quan từ xa…

Đây là những nội dung được Bộ VHTTDL báo cáo trong tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 diễn ra tại hội nghị trực tuyến 63 điểm cầu.

Dự hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bên cạnh ghi nhận, biểu dương đóng góp của ngành văn hóa, trong năm 2021, cũng chỉ ra một số vấn đề tồn tại cần có hướng giải quyết phù hợp trong năm 2022.

Cụ thể là vấn đề bản quyền liên quan đến Quốc ca. Theo Phó Thủ tướng, ngoài việc rà soát các quy định thì Bộ cần thực hiện thu âm nhiều bản phối khí khác nhau. Vấn đề bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, Bộ VHTTDL và các địa phương phải có tiếng nói mạnh mẽ, nghiêm túc hơn bởi di tích văn hóa mà phá đi là không bao giờ có lại được. Cần thiết là phải tích cực thực hiện là số hóa trong từng lĩnh vực như di sản, bảo tàng, du lịch.

Riêng với du lịch, năm 2021 là năm vô cùng khó khăn nhưng những người làm du lịch đã nỗ lực vượt lên. Năm 2022, ngành du lịch cần chuẩn bị kỹ càng, chắc chắn để mở cửa du lịch, đưa công nghệ vào du lịch để không chỉ là mở cửa đón khách đơn thuần mà còn là thay đổi cách thức quản lý du lịch bằng công nghệ.

Năm 2022, Việt Nam cũng sẽ tổ chức SEA Games 31, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan cần tiếp tục chuẩn bị cho tốt, để tổ chức đại hội thể thao chu đáo, đàng hoàng...