Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội phấn đấu đạt mục tiêu: 80% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ y tế; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật.
Cũng trong giai đoạn này, Thành phố phấn đấu 80% công trình xây mới và 30% công trình cũ là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư xây mới bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
Bên cạnh đó, Hà Nội phấn đấu 50% quận, huyện, thị xã có câu lạc bộ thể dục thể thao người khuyết tật có thể tiếp cận, thu hút 10% người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục thể thao; 20% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật.
Giai đoạn 2026 - 2030, Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu 90% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục. 80% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm; 100% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.
Kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ người bị khuyết tật ở Việt Nam từ 5 tuổi trở lên là 3,7%. Tỷ lệ khuyết tật của nữ giới cao hơn nam giới (Nữ: 4,4%; Nam: 3,1%), khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị (nông thôn: 3,9%; thành thị: 3,3%). Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có tỷ lệ NKT cao nhất cả nước (4,5%); Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là hai vùng có tỷ lệ NKT thấp nhất (đều bằng 2,9%). Tỷ lệ khuyết tật chịu ảnh hưởng mạnh bởi cơ cấu tuổi, nhóm tuổi từ 60 tuổi trở lên có tỷ lệ khuyết tật cao nhất (20,7%), cao hơn nhiều so với tỷ lệ khuyết tật của cả nước (3,7%).