Năm 2112: 600 trí thức trẻ về 62 xã nghèo

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1097/QĐ-TTg (ngày 8/7/2011) về việc sửa đổi, bổ sung Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo được phê duyệt theo Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 26/01/2011.

Theo nội dung được sửa đổi, trong giai đoạn 1 (từ 2011-2012), thay vì chỉ tổ chức triển khai thử nghiệm tại 5 tỉnh (Cao Bằng, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Ngãi và Kon Tum) với số lượng đội viên dự kiến là 100 người được bố trí về 100 xã thì theo Quyết định 1097/QĐ-TTg, từ tháng 4/2011 đến hết tháng 12/2012 phải tuyển chọn, bồi dưỡng và bố trí đủ 600 trí thức trẻ tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo; đồng thời, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện Dự án tại 62 huyện nghèo thuộc 20 tỉnh.

 

Sang giai đoạn 2 (từ tháng 1/2013 - tháng 6/2017) sẽ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Dự án tại 62 huyện nghèo thuộc 20 tỉnh; tổ chức đánh giá kết quả công tác của đội viên Dự án. 

Trên cơ sở kết quả tổng kết việc thực hiện Dự án giai đoạn 2011-2017, Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tiếp tục triển khai Dự án đến khi kết thúc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.

Tăng kinh phí dự án lên gần 200 tỷ đồng

Bên cạnh việc thay đổi tiến độ triển khai dự án thì thời gian tổ chức sơ kết, tổng kết hoạt động của Dự án cũng có sự thay đổi.

Theo đó, việc sơ kết (đánh giá kết quả bước đầu thực hiện Dự án) dự kiến thực hiện vào cuối năm 2015 sẽ được đẩy lên vào tháng 6/2013; còn tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Dự án dự kiến thực hiện trong năm 2020 sẽ được đẩy nhanh hơn, tức là vào tháng 6/2017 (đánh giá kết quả thực hiện Dự án giai đoạn 2011-2017).

Cũng theo nội dung được sửa đổi tại Quyết định 1097, tổng kinh phí thực hiện Dự án sẽ tăng thêm 5,6 tỷ đồng (từ 194,275 tỷ đồng lên 199,875 tỷ đồng) và được phân kỳ theo từng năm để thực hiện. Cụ thể: Năm 2011: 23,489 tỷ đồng; năm 2012: 31,754 tỷ đồng; năm 2013: 28,814 tỷ đồng; năm 2014: 28,214 tỷ đồng; năm 2015: 29,127 tỷ đồng; năm 2016: 28,214 tỷ đồng; năm 2017: 30,263 tỷ đồng. Nếu kinh phí của năm trước chưa sử dụng hết thì được chuyển sang năm sau để sử dụng tiếp cho Dự án, không sử dụng cho mục đích khác.

Kinh phí thực hiện Dự án được đảm bảo cho các hoạt động sau: kinh phí cho các hoạt động do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện các hoạt động tuyên truyền là 7,587 tỷ đồng; kinh phí cho các hoạt động do Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện là 20,669 tỷ đồng; và 171,622 tỷ đồng là kinh phí do địa phương chủ trì thực hiện.

Trong đó, kinh phí do địa phương chủ trì để phục vụ cho các hoạt động sau: chi trả tực tiếp cho các đội viên Dự án sau khi được tăng cường về cơ sở, bao gồm: tiền lương, các khoản phụ cấp, các khoản trích nộp (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp), các chế độ, chính sách thu hút khác theo quy định của pháp luật…

Ngoài việc bố trí kinh phí để bảo đảm các mục tiêu, tiến độ thực hiện Dự án, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ và các Bộ liên quan hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Dự án.

Một điểm mới khác của Dự án này là sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin và trang thông tin để kết nối với các đội viên Dự án trong thời gian công tác ở xã. Hoạt động này sẽ do Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện.

Việt Nga

Đọc thêm