Theo dự thảo Thông tư, công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự, công dân nữ có trình độ chuyên môn phù hợp (nếu tự nguyện và ngành công an có nhu cầu) phải đáp ứng đủ 7 chỉ số đặc biệt về sức khỏe như: không nghiện các chất ma túy, tiền chất ma túy; màu và dạng tóc bình thường; không bị rối loạn sắc tố da; không có các vết trổ (xăm) trên da, kể cả phun xăm trên da; không bấm lỗ tai, lỗ mũi và ở các vị trí khác trên cơ thể để đeo đồ trang sức; không mắc các bệnh mạn tính, bệnh xã hội; không có sẹo lồi co kéo vị trí vùng đầu, mặt và các vùng da hở.
Khi kiểm tra, sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, công dân phải xuất trình lệnh gọi khám sức khỏe của trưởng công an cấp huyện; giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân còn hiệu lực; không uống rượu, bia hoặc dùng các chất kích thích; chấp hành nội quy của khu vực khám sức khỏe, kiểm tra sức khỏe.
Các công dân sẽ phải trải qua bốn nội dung kiểm tra sức khỏe, bao gồm: kiểm tra về thể lực; đo mạch, huyết áp; khám phát hiện các bệnh lý về nội khoa, ngoại khoa và chuyên khoa; khai thác tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình.
Việc kiểm tra được tiến hành bởi Tổ kiểm tra sức khỏe do trung tâm y tế cấp huyện ra quyết định thành lập. Tổ này gồm ít nhất ba thành viên, có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra sức khỏe, lập phiếu kiểm tra sức khỏe và tổng hợp, báo cáo kết quả theo quy định.
Bộ Công an chỉ tuyển chọn với những công dân đạt sức khỏe từ loại 2 trở lên. Cụ thể với nam chiều cao phải đạt từ 1m62, cân nặng từ 47 kg, có vòng ngực 80; với nữ có chiều cao từ 1m58, cân nặng từ 45 và vòng ngực từ 75...
Kinh phí khám sức khỏe cho công dân được sử dụng từ ngân sách địa phương.
Hiện Dự thảo đang được lấy ý kiến nhân dân. Nếu được thông qua, Thông tư này sẽ có hiệu lực trong năm 2018 và thay thế Thông tư liên tịch số 09/2009 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế.