Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn được chứng nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

(PLVN) - Tối nay, 26/9, huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) tổ chức lễ đón nhận Bằng ghi danh Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, xã Hồng Quang, là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ nhảy lửa đặc sắc của người Pà Thẻn (Ảnh minh họa)
Lễ nhảy lửa đặc sắc của người Pà Thẻn (Ảnh minh họa)

Tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình và xã Linh Phú, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang, hiện có đến trên 700 nhân khẩu là người dân tộc Pà Thẻn. Những năm qua, người Pà Thẻn nơi đây luôn giữ gìn được nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của dân tộc.

Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn thường diễn ra vào những lúc nông nhàn. Lễ hội được bắt đầu từ tháng 10 âm lịch cho tới tháng Giêng năm sau. Lễ hội nhảy lửa có ý nghĩa tạ ơn thần linh phù hộ cho một năm mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm, dân bản khỏe mạnh không ốm đau bệnh tật, và mang sức mạnh cho người dân nơi đây.

Lễ hội bắt đầu bằng việc thầy cúng của người Pà Thẻn làm lễ cầu khấn thần linh. Lễ vật cúng tế gồm một con lợn, 5 chén rượu… Khi thầy mo gõ vào đàn gỗ, làm lễ cúng, những người tham gia nhảy lửa (chỉ dành cho nam giới) sẽ ngồi đối diện với thầy mo và được làm phép "nhập ma".

Sau khi nghi thức cúng tế kết thúc, các chàng trai Pà Thẻn bắt đầu tham gia Lễ hội nhảy lửa. Họ nhảy múa trên đống than hồng rực trong vòng 3 - 4 phút, không hề sợ hãi hay cảm thấy bỏng rát giữa sự hò reo, cổ vũ của đông đảo người dân nơi đây.

Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn được chứng nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (Ảnh minh họa)

Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn được chứng nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (Ảnh minh họa)

Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, ngọn lửa tượng trưng cho sự sống, sự ấm no hạnh phúc và không thể thiếu trong đời sống. Nhảy lửa là lễ hội tiêu biểu của người Pà Thẻn.

Tỉnh Tuyên Quang đang từng bước xây dựng Lễ hội nhảy lửa trở thành “sản phẩm” du lịch đặc thù để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước muốn khám phá văn hóa độc đáo trong mỗi dịp Tết đến Xuân về và các ngày lễ hội trong năm của người dân tộc Pà Thẻn.

Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn đã có lịch sử lâu đời và được gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ.

Lễ hội không chỉ phản ánh vai trò và địa vị của những người thầy cúng trong xã hội trước kia, mà còn là bằng chứng thể hiện những yếu tố văn hóa, tín ngưỡng nguyên thủy sơ khai, niềm tin vào thế giới thần linh và những thế lực siêu nhiên.

Lễ hội Nhảy lửa còn là một di sản văn hóa mang tính đại diện tộc người, được biết đến như một bản sắc riêng của cộng đồng người Pà Thẻn.

Khi nhắc đến Lễ hội Nhảy lửa, người ta nghĩ ngay đến người Pà Thẻn và ngược lại. Đây cũng là lễ hội duy nhất của người Pà Thẻn còn duy trì đến ngày nay.

Huyện Lâm Bình là địa phương sớm nhất trong tỉnh tổ chức đón nhận bằng ghi danh vào ngày 26-9.

Chị Lý Thị Toàn, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang cho biết, đã nhiều ngày nay chị đứng ra tổ chức cho đội văn nghệ tập luyện để phục vụ Lễ đón nhận quyết định Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, xã Hồng Quang vào danh mục di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Chị chia sẻ, là người con Pà Thẻn, khi lễ nhảy lửa của ông cha mình được ghi nhận và vinh danh, việc gì trong khả năng làm được, chị sẽ dốc sức để làm tốt nhất ở mức có thể.

Trong khuôn khổ Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của huyện Lâm Bình còn diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao.

Ngoài ra, còn có các gian hàng trưng bày thổ cẩm, các sản phẩm đặc trưng dân tộc Pà Thẻn. Các hoạt động tổ chức giã cốm để du khách trải nghiệm, trình diễn dệt thêu thổ cẩm Pà Thẻn, gói bánh sừng trâu, thi đấu các môn thể thao truyền thống dân tộc Pà Thẻn cũng được tổ chức.

Bên cạnh đó, các hoạt động vui chơi trải nghiệm của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hồng Quang (Lâm Bình) cũng là điểm nhấn đặc biệt.