Ký ức mùa trăng

(PLVN) - Tiến sĩ Phan Đăng Long, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho hay, đã thành truyền thống bao đời nay, hằng năm, đến ngày Rằm tháng Tám (âm lịch), người dân nhiều nước thuộc khu vực Đông Á, Đông Nam Á thường có tập quán vui đón Tết Trung thu.
Các gian hàng đèn Trung Thu cổ truyền được trưng bày theo hình thức trên phố cổ xưa.
Các gian hàng đèn Trung Thu cổ truyền được trưng bày theo hình thức trên phố cổ xưa.

Ở Việt Nam, Tết Trung thu còn có một số tên gọi khác như: “Tết Trông trăng”, “Tết Thiếu nhi” hay “Tết Trẻ con”, “Tết Hoa đăng”, “Tết Đoàn viên”... Dù gọi tên là gì, có lẽ nổi bật nhất vẫn là nội dung đậm tính nhân văn, có ý nghĩa xã hội sâu sắc là sự quan tâm, chăm sóc cả vật chất và tinh thần cho thiếu nhi.

Những năm qua, nhiều nghệ nhân, những người yêu văn hóa Việt nỗ lực gìn giữ nghề làm đồ chơi truyền thống, tạo những đêm trăng cổ tích dành cho các trẻ nhỏ và gia đình, trong bối cảnh cuộc sống hiện đại đang dần lấn át và tạo nên nhiều thách thức trong gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

Tết Trung thu năm 2023, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chương trình “Vui Tết Trung thu” với chủ đề “Đèn thu lung linh”. Tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, các em nhỏ và du khách được tham quan không gian trưng bày các loại đèn trung thu cổ truyền dưới hình thức là các gian hàng trên phố cổ. Đây là các mẫu đèn trung thu đã thất truyền được Trung tâm phối hợp với nhiều nghệ nhân phục dựng dựa trên các nguồn tư liệu quý của các nhà nghiên cứu nước ngoài như: Henri Oger, Albert Kant; bảo tàng Quai Branly (Pháp)...

Trên nền các nguyên liệu truyền thống giấy dó, giấy nhiễu, giấy bóng kính, nan tre, mây, hồ dán..., những mẫu đèn xưa cũ, như: Đèn cá chép hóa rồng, đèn cá chép trông trăng, đèn con cua, đèn thỏ, đèn bướm, đèn tôm, đèn quả đào, quả lựu, đèn trống... được tái hiện một cách sinh động.

Chuỗi sự kiện “Thu xưa về trong phố” diễn ra xuyên suốt mùa trăng 2023 tại không gian văn hóa 70 Nguyễn Du, Hà Nội. Sự kiện tái hiện những khu chợ trung thu truyền thống, những di sản con giống nặn bằng bột được phục dựng qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân…

Bà Phạm Hạnh - một phụ nữ sinh ra trên đất Hà thành rất yêu và luôn nỗ lực gìn giữ văn hóa xưa chia sẻ, ngay từ đầu tháng 8 âm lịch, bà đã bắt tay vào việc cùng trang trí trại trung thu cho các cháu. Với mong muốn đưa những nét đẹp trong Tết Trung thu cổ truyền đến gần hơn với các cháu, bà trang trí với những vật dụng như chõng tre, mẹt tre, mặt nạ giấy bồi, đèn lồng, đèn ông sao, những chiếc trống con, những chiếc tò he rực rỡ và mâm ngũ quả có chú cún xinh được kỳ công tỉa từ quả bưởi. Ngắm nhìn lũ trẻ vui chơi giữa sắc màu, bà Hạnh không khỏi hạnh phúc.

Theo NSƯT Xuân Bắc, chương trình “Thu xưa về trong phố” được thực hiện từ sự thấu hiểu những nỗi nhớ mong về bóng trăng mùa cũ trong cuộc sống hiện đại với những bận rộn, lo toan. Khi người lớn mải mê đi làm, trẻ con ngày đêm đi học, người già đôi lúc cảm thấy bị bỏ quên ngay trước cánh cửa nhà… “Thu xưa về trong phố” không chỉ giúp người lớn gặp lại cả khung trời kỷ niệm mùa trăng xưa, mà còn giúp những em bé hiện đại hiểu hơn về Trung thu truyền thống, để rồi trân quý, giữ gìn văn hóa quý báu của cha ông.

Đọc thêm