Mức độ ô nhiễm ở mức cao
Số liệu quan trắc từ các trạm quan trắc không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ ngày 25 đến 29/10/2017 cho thấy chỉ số chất lượng không khí (AQI) tăng hơn so với các tuần trước đó. Chỉ số AQI lớn nhất là 195 tại trạm Hàng Đậu vào ngày 25/10. Dựa vào mức độ cảnh báo theo QCVN 05:2013, chất lượng không khí ở trạm Hàng Đậu thời gian đó ở mức kém. Ở một vị trí khác, ngày 26/10 tại Trạm quan trắc Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), nồng độ bụi PM đạt mức cao nhất là 201,67 (mg/m3), gấp hơn 1,3 lần so với quy chuẩn. Nồng độ bụi PM 2.5 đạt mức cao nhất là 97,29 (mg/m3) gấp 2 lần so với quy chuẩn.
Điều đó lý giải vì sao ô nhiễm không khí đã khiến không ít người dân ám ảnh, khổ sở bởi cứ đi ra đường là gặp phải cảnh tắc đường và bụi bặm. Nhiều năm qua, các tuyến đường, khu vực như Phạm Văn Đồng, Giải Phóng, Trần Duy Hưng, Minh Khai, Nguyễn Trãi, các khu vực Ngã Tư Vọng, Nhổn, Ba La, đường Quang Trung (quận Hà Đông)… vẫn được “phong” là nơi khói bụi nặng nhất, ngột ngạt bậc nhất, hành dân nhiều nhất. Qua những đoạn đường này, hầu như ai cũng phải đeo khẩu trang kín mít. Thông tin từ Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho thấy, ngoài PM 2.5, trong không khí còn nhiều chất độc hại khác, như: PM 10, SO2, NOx..., trong đó PM 2.5 nhỏ bằng 1/30 sợi tóc, có thể thẩm thấu, di chuyển trong nhu mô và mao mạch phổi, ảnh hưởng sức khỏe tùy theo thành phần của bụi mà dẫn tới ung thư, nhiễm độc hay hen.
Trong “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020, giảm 20% lượng bụi, SO2, NOx, CO phát sinh từ các cơ sở sản xuất xi măng, nhiệt điện, thép, hóa chất, phân bón và sản xuất dầu mỏ; giảm 10% lượng bụi, SO2, NOx, CO phát sinh từ các cơ sở sản xuất khác; giảm 10% lượng bụi, SO2, NOx, CO phát sinh từ các phương tiện giao thông vận tải.
Theo GS Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam, mục tiêu “giảm thiểu 20% lượng bụi, SO2, NOx, CO phát sinh từ các cơ sở sản xuất xi măng, nhiệt điện, thép, hóa chất, phân bón và sản xuất dầu mỏ; giảm 10% lượng bụi, SO2, NOx, CO phát sinh từ các cơ sở sản xuất khác và từ các phương tiện giao thông vận tải”, đối với điều kiện của nước ta hiện nay là một mục tiêu tương đối cao, phải cố gắng và quyết tâm rất lớn thì cũng khó đạt được 100%. Mặt khác tôi thấy cần phải nhấn mạnh rằng khả năng thực hiện (tính khả thi) đối với từng chất ô nhiễm là rất khác nhau: mục tiêu đối với bụi có tính khả thi nhiều nhất, mục tiêu đối với khí SO2 thì có tính khả thi kém hơn, còn mục tiêu đối với khí NOx và CO là không có tính khả thi”.
GS Đăng cho biết thêm, vì 4 chất ô nhiễm này đều phát sinh từ đốt nhiên liệu, ngoài biện pháp giảm thiểu bằng quản lý, kiểm soát ô nhiễm thì biện pháp chủ yếu và quan trọng có hiệu quả nhất là phải áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến như: Sử dụng nhiên liệu sạch hơn (than sạch, dầu sạch, khí thiên nhiên…), điều này không dễ dàng dối với nước nghèo như nước ta; Công nghệ đốt nhiên liệu hiện đại để giảm thiểu phát sinh các chất ô nhiễm, đặc biệt là giảm phát thải khí NOx và CO bằng công nghệ sản xuất là rất khó khăn; Sử dụng thiết bị lọc chất ô nhiễm, thông thường chỉ thực hiện xử lý được đối với bụi và khí SO2, còn xử lý khí NOx và khí CO thì rất khó khăn và rất đắt tiền, không có tính khả thi đối với nước ta hiện nay.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Có nhiều giải pháp đã được đưa ra, như đưa xăng thân thiện với môi trường vào sử dụng, xử lý xe cũ nát, xử phạt nặng các công trình xây dựng gây ô nhiễm, kiểm soát khí thải xe máy… nhưng còn gặp nhiều vướng mắc. Trong khi đó tại các khu đô thị mới, nhiều chủ đầu tư tìm cách “né” trồng cây xanh, xây dựng công trình hồ điều hòa. Nhiều dự án làm đường làm giảm số lượng cây xanh ở địa bàn Thủ đô.
Một trong những nỗ lực của cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, là triển khai Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh đến năm 2020. Người dân Thủ đô kỳ vọng, với Chương trình này sẽ góp phần điều hòa không khí trên địa bàn, giúp chất lượng không khí được nâng cao. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh phân tích: “Cây xanh có giá trị rất lớn trong việc điều hòa không khí đô thị, giảm thiểu hiệu ứng khí “nhà kính”, cùng hệ thống ao hồ, hệ thống cây xanh làm tăng thẩm mỹ cảnh quan, tạo ra sự phong phú về hình khối cho Thủ đô Hà Nội”. Còn PGS.TS Vũ Thị Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Các Đô thị Việt Nam cho rằng: Hướng phát triển đô thị xanh, thân thiện với môi trường là một trong những giải pháp tốt nhằm giảm sự ngột ngạt. Đó là một thách thức rất lớn đối với các cấp chính quyền thành phố.
Tham khảo thêm ý kiến nhiều chuyên gia môi trường khác, trồng thêm cây xanh trên địa bàn Hà Nội là một trong những giải pháp hữu hiệu trước tình hình ô nhiễm, nhiệt độ trái đất đang nóng dần lên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Kiên Trung - Tổng Giám đốc Công ty Cây xanh Hà Nội cho biết, Chương trình trồng thêm 1 triệu cây xanh (giai đoạn 2016 - 2020) trên địa bàn Hà Nội chính thức bắt đầu từ tháng 6/2016. Thời gian qua, toàn TP đã có thêm 210.000 cây xanh mới, cây được trồng, phát triển trên các tuyến phố cũ, tuyến đường mới, trong các công viên cũ, công viên mới. Còn theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính lũy kế từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố đã trồng được trên 462.000 cây xanh, đạt 46,2% mục tiêu Chương trình 1 triệu cây xanh. Sở Xây dựng Hà Nội đã có công văn gửi các quận, huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị về việc rà soát diện tích trồng cây xanh trên địa bàn để có cơ sở tiến hành thực hiện việc trồng thêm cây xanh.
Hiện nay đi trên không ít tuyến phố, chúng ta thấy những hàng cây được trồng đồng bộ đã bắt đầu xòe tán. Như đường Võ Nguyên Giáp dài 10,5km ngập sắc xanh với hàng nghìn cây đang phát triển. Đường Võ Chí Công dài hơn 4km, được trồng toàn bộ hoa phượng… Với những nỗ lực như thế, sau vài năm, bóng cây tỏa rộng hơn, sẽ tạo thêm cảnh quan, giúp thành phố xanh hơn, trong lành hơn...