Nam Định thí điểm thành công mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung

(PLVN) - Từ tháng 8-2018, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định phối hợp Trung tâm Y tế và Phòng Y tế huyện Mỹ Lộc triển khai thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người. 
Kiểm tra, giám sát ATTP tại bữa cỗ đông người ở huyện Mỹ Lộc.
Kiểm tra, giám sát ATTP tại bữa cỗ đông người ở huyện Mỹ Lộc.

Mục tiêu của mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) tại bữa cỗ tập trung đông người nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền và các ngành, đoàn thể trong công tác quản lý ATTP tại địa phương, nâng cao nhận thức của người dân về công tác ATTP, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người.

Các xã đã thành lập tổ giám sát tư vấn ATTP gồm cán bộ trạm y tế, y tế thôn, trưởng thôn, đại diện phụ nữ, cộng tác viên.  Đẩy mạnh truyền thông tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về ATTP. Các tổ giám sát tư vấn ATTP tăng cường quản lý, tư vấn và hướng dẫn cho người dân như: Tổ chức cho gia đình ký cam kết với chính quyền địa phương đảm bảo ATTP đối với bữa cỗ tập trung đông người, trước khi tổ chức đám cỗ 1 tuần tiến hành phun diệt côn trùng; lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.

Nơi chế biến cách xa khu vực ô nhiễm (nhà vệ sinh, khu vực nuôi gia súc, gia cầm, cống rãnh), phân khu rõ ràng nơi sơ chế, chế biến thực phẩm và nơi chia thức ăn chín; người chế biến thực phẩm không mắc các bệnh ngoài da, trang phục gọn gàng, sạch sẽ, thực hành vệ sinh tốt; sử dụng nguồn nước chế biến đảm bảo vệ sinh; sử dụng phụ gia thực phẩm thuộc danh mục cho phép của Bộ Y tế.

Trang thiết bị, dụng cụ chế biến đảm bảo vệ sinh, an toàn; có găng tay sạch sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn chín; thức ăn chín phải được bảo quản sau khi chia; thức ăn sau chế biến được để trên bàn, giá kệ, kê thực phẩm cao trên 60cm, không để thực phẩm sát nền nhà; thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định tối thiểu 24h.

Qua gần hai năm triển khai, 3 xã thực hiện mô hình đã tổ chức 32 buổi tuyên truyền, tư vấn, nói chuyện nhóm về ATTP bữa cỗ tập trung đông người, thu hút 1.550 người tham gia; truyền thông, tư vấn tại 58 gia đình có đám cưới, đám giỗ, đám ma; tổ chức cho 90 hộ ký cam kết đảm bảo ATTP bữa cỗ tập trung đông người với UBND xã.

Qua giám sát tại 58 bữa cỗ tập trung đông người tại các xã tham gia mô hình cho thấy, các gia chủ đã thực hiện khá tốt 10 tiêu chí ATTP; đặc biệt là đã thay đổi nhận thức của người dân về đảm bảo ATTP trong việc chế biến thực phẩm tại mỗi bữa cỗ. 

Từ kết quả đạt được, năm 2019, mô hình kiểm soát ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người tiếp tục được duy trì tại 3 xã này và nhân rộng thêm ở 2 xã khác của huyện Mỹ Lộc là Mỹ Trung và Mỹ Phúc. Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, đến nay, tại các xã triển khai mô hình kiểm soát ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người ở huyện Mỹ Lộc đã tổ chức 180 lần phát thanh tuyên truyền về ATTP bữa cỗ tập trung đông người trên hệ thống loa truyền thanh xã; các tổ giám sát tư vấn ATTP đã truyền thông, tư vấn tại 221 gia đình có tổ chức bữa cỗ tập trung đông người; tổ chức cho 257 hộ ký cam kết đảm bảo ATTP bữa cỗ tập trung đông người với UBND xã.

Trong ngày tổ chức bữa cỗ đông người, tổ giám sát ATTP của xã cũng đến giám sát việc bảo quản thức ăn chín trước khi bày ra mâm và yêu cầu lưu mẫu thức ăn tại gia đình. Thực hiện giám sát 221 bữa cỗ đông người với tổng số 165.500 lượt người ăn.

Qua giám sát cho thấy, các điều kiện ATTP bữa cỗ được cải thiện: 100% bữa cỗ tập trung đông người bố trí nơi chế biến xa khu vực ô nhiễm; nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm rõ ràng; thực phẩm sống, chín để riêng biệt Thức ăn sau chế biến được đặt trên bàn cao, có che đậy đạt, thực phẩm sử dụng phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế; 100% bữa cỗ đảm bảo an toàn, không xảy ra ngộ độc thực phẩm. 

Qua gần 2 năm triển khai thực hiện, mô hình kiểm soát ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người ở huyện Mỹ Lộc đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền từ huyện tới xã, các đơn vị đã huy động và tăng cường phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, nhất là y tế thôn, trưởng thôn trong công tác ATTP, tạo được những chuyển biến rõ nét trong việc tổ chức nấu cỗ tại gia đình. Việc thực hiện ATTP đã đi vào nếp sống của người dân, đạt được những kết quả tích cực, nâng cao ý thức chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm của người dân. Đây là cơ sở để Nam Định tiếp tục nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh, góp phần nâng cao sức khỏe của người dân.

Đọc thêm