Nam giới Hải Phòng sẽ ế vợ trong tương lai?

Ở Hải Phòng, tính đến tháng 8-2010, tỷ số giới tính khi sinh (SRB) là 116 bé trai/100 bé gái nghĩa là cứ 116 bé trai được sinh ra mới có 100 bé gái.
Ở Hải Phòng, tính đến tháng 8-2010, tỷ số giới tính khi sinh (SRB) là 116 bé trai/100 bé gái nghĩa là cứ 116 bé trai được sinh ra mới có 100 bé gái.

Kết quả tổng điều tra dân số năm 2009 cho thấy, hiện tượng mất cân bằng giới tính trên địa bàn cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng thật đáng giật mình.

Theo số liệu của cơ quan chức năng thì ở nước ta hiện nay, có nơi tỷ lệ sinh là 135 bé trai/100 bé gái. Ở Hải Phòng, tính đến tháng 8-2010, tỷ số giới tính khi sinh (SRB) là 116 bé trai/100 bé gái nghĩa là cứ 116 bé trai được sinh ra mới có 100 bé gái.
 
Theo số liệu thống kê chuyên ngành dân số, tính đến hết tháng 8-2010, tổng số trẻ được sinh ra tại 15 quận, huyện, đảo của toàn thành phố là 16.278, trong đó, đông nhất là huyện Thuỷ Nguyên (3.111 trẻ), tiếp sau là huyện An Dương (1.482 trẻ); huyện An Lão (1.454 trẻ); huyện Vĩnh Bảo (1.446 trẻ); huyện Kiến Thụy (1.425 trẻ)

Nếu xu hướng này tiếp tục tăng nhanh và không trở lại mức bình thường là 105 ca sinh bé trai trên 100 ca sinh bé gái sẽ tác động tới cơ cấu nhân khẩu học và cơ cấu giới tính của dân số trong hai thập kỷ tới, tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời sẽ có ảnh hưởng lớn đối với trẻ em trai sinh ra sau năm 2005 (tức là những người sẽ bước vào tuổi kết hôn từ năm 2030 trở đi) nhóm nam giới này sẽ dư thừa so với số phụ nữ cùng độ tuổi.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh theo hướng thừa nam thiếu nữ càng kéo dài lâu thì hậu quả tiêu cực với gia đình và xã hội càng nghiêm trọng

Đến năm 2035, số nam giới trưởng thành có thể sẽ nhiều hơn số phụ nữ cùng độ tuổi tối thiểu là 10%.

Theo đánh giá của các chuyên gia dân số, sự khan hiếm phụ nữ sẽ gây thêm áp lực cho họ phải kết hôn ở độ tuổi sớm hơn, có thể dẫn đến tăng nhu cầu mại dâm, cũng như mạng lưới buôn bán người có thể sẽ lan rộng để đáp ứng sự mất cân bằng này.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh theo hướng thừa nam thiếu nữ càng kéo dài lâu thì hậu quả tiêu cực với gia đình và xã hội càng nghiêm trọng. Sự chênh lệch giới tính của trẻ sơ sinh sẽ dẫn tới hệ luỵ khó lường nếu như không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Nguyên nhân và những hệ lụy

Về mặt hình thức, đa số người dân bây giờ đều hưởng ứng việc tuyên truyền mỗi gia đình chỉ nên có hai con, nhưng khi có bầu, họ sẵn sàng đến các phòng khám tư nhân để siêu âm giới tính thai nhi - mặc dù việc này đã bị nghiêm cấm. Nhiều trường hợp khi có thai, phát hiện là thai gái, họ không ngần ngại “xử lý” để chờ đợi mang thai lần nữa - cho “ra” bằng được con trai thì thôi.

Ông Vũ Văn Chỉnh, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, cho biết: Tại khoa KHHGĐ Bệnh viện Phụ Sản TP, trong năm 2009 tiếp nhận 289 ca nạo, phá thai, thì đến 11 tháng năm 2010 đã có tới 256 ca.

Cũng theo ông Chỉnh, đối với phụ nữ, việc nạo phá thai ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, đạo đức, nhưng nhiều chị em phải chịu áp lực tâm lý từ gia đình, đành cắn răng chịu đựng đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hải - Phó Trưởng phòng thanh tra Sở Y tế Hải Phòng - cho biết: Trong năm 2009 và 6 tháng đầu năm 2010, thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra 154 cơ sở y tế tư nhân, qua đó đã nhắc nhở 79 cơ sở, cảnh cáo 9 cơ sở, phạt tiền 16 cơ sở, đình chỉ hoạt động 8 cơ sở không có giấy phép hành nghề; đặc biệt đã đình chỉ, bóc gỡ 1 trang web có nội dung hướng dẫn lựa chọn giới tính thai nhi… Tuy nhiên, những việc làm trên chỉ như muối bỏ bể và rất khó kiểm soát bởi hiện có rất nhiều phòng khám tư vẫn mở ra.

Cần giải pháp đồng bộ, kiên quyết

Biện pháp hữu hiệu nhất được coi là khâu đột phá chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về nguyên nhân, tác động xấu của việc mất cân bằng giới tính khi sinh đến mọi người dân, trước hết là đến cán bộ, đảng viên, các cán bộ cộng tác viên dân số cấp cơ sở, các chị em trong độ tuổi sinh đẻ; tuyên truyền phổ biến thực hiện nghiêm Khoản 2, Điều 7 Pháp lệnh Dân số về việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức (Bao gồm cả nâng cao nhận thức của cán bộ y tế về hậu quả khôn lường của lựa chọn giới tính trước sinh và hiểu rằng hỗ trợ lựa chọn giới tính trước sinh là bất hợp pháp).

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành chức năng cần cải thiện chính sách xã hội (bảo hiểm xã hội cho người già, có chính sách an sinh cho người cao tuổi, bảo đảm bình đẳng giới thật sự, tăng cường các dịch vụ xã hội...), xây dựng các chế độ ưu đãi cho phụ nữ khi sinh bé gái được tiếp cận cơ hội nghề nghiệp, thời gian được nghỉ thai sản dài... Quan tâm nhiều hơn tới việc nâng cao vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội, tăng cường vị thế và các quyền của họ.

Các nhà lãnh đạo và đảng viên có vai trò cốt yếu trong việc phổ biến các thông điệp về bình đẳng giới. Đẩy mạnh hơn nữa chương trình an sinh xã hội cho người cao tuổi để giúp các gia đình không phải trông cậy hoàn toàn vào con trai lúc tuổi già.

Mỗi cá nhân, gia đình cần phải thay đổi quan niệm truyền thống, không nên phân biệt giới tính khi sinh.

Bên cạnh đó, vai trò của giới truyền thông có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, thúc đẩy vai trò nâng cao vị thế của người phụ nữ trong xã hội và các chính sách của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi của họ cũng như các biện pháp nhằm đảm bảo sự cân bằng giới tính.

Ông Phạm Quang Ngọc, Phó giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng chi cục dân số KHHGĐ, nhấn mạnh: công tác DS-KHHGĐ là công tác xã hội, cần sự tham gia, hưởng ứng của toàn xã hội. Phải xác định công tác DS-KHHGĐ là một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, một nội dung trọng tâm trong chương trình hoạt động của chính quyền, các ngành, đoàn thể. Trong đó, cần tập trung biện pháp ổn định dân số, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, xử lý nghiêm các vi phạm.

Theo
ANHP

Đọc thêm