Năm mới, rất cần một sự bứt phá

Chúng ta vừa đón một cái Tết yên bình, đầm ấm. Đặc biệt, thành phố đã dành 70 tỷ đồng (từ ngân sách) hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, các hộ nghèo, những người khó khăn bất hạnh để mọi nhà, mọi người đều có những ngày Tết vui vẻ.

Chúng ta vừa đón một cái Tết yên bình, đầm ấm. Đặc biệt, thành phố đã dành 70 tỷ đồng (từ ngân sách) hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, các hộ nghèo, những người khó khăn bất hạnh để mọi nhà, mọi người đều có những ngày Tết vui vẻ.

Các tổ chức từ thiện xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cũng có sự đóng góp rất tích cực trong việc lo Tết cho người nghèo.

Mỗi hộ đặc biệt nghèo được hỗ trợ 3 triệu đồng, có người cả đời chưa bao giờ cầm số tiền lớn như vậy, tay run run mắt ứa lệ, có người chỉ dùng một phần số tiền ấy cho mấy ngày Tết, còn dành để làm vốn liếng tiếp tục cuộc mưu sinh nhọc nhằn.

Đi qua một cái Tết. Đây là lúc chúng ta nhìn tới công việc của một năm, những lo toan gánh vác, năm 2010 kết thúc thập kỷ đầu của thế kỷ 21 với biết bao sự kiện quan trọng mà nổi bật hơn hết là áp lực rất lớn đòi hỏi ở thành phố này, ở chúng ta một sự bứt phá.

Chúng ta đều biết những năm qua, Đà Nẵng tăng trưởng với tốc độ khá cao, năm 2009 dù phải đương đầu với những khó khăn do kinh tế toàn cầu suy giảm, GDP của thành phố vẫn tăng 11,2%.

Chúng ta lại nhận thức rõ, cũng như cả nước, sự tăng trưởng đó chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và nhân công giá rẻ.

Hai yếu tố này (bao gồm trong đó khai thác quỹ đất) đã tới hạn và trong xu thế của thế giới đương đại vấn đề sinh tử là phát huy sức mạnh của trí thức.

Nhiều chuyên gia cảnh báo Việt Nam vừa ra khỏi danh sách các nước có thu nhập thấp (dưới 1.000 đô-la/người/năm). Nếu không bứt phá (còn có thể hiểu là tái cấu trúc nền kinh tế) thì dù có giữ được nhịp độ tăng trưởng cao, Việt Nam vẫn chậm bước từng bước một, không biết đến bao giờ mới đứng vào tốp các nước có thu nhập cao (10.000 đô-la/người/năm). Hơn thế lại có thể gánh chịu những hệ lụy của tăng trưởng bằng mọi giá như ô nhiễm môi trường (và cả biến đổi khí hậu), phân cực  giàu nghèo, tệ nạn và tội phạm xã hội (hiện đại).

Vấn đề lúc này là hướng mọi cố gắng để toàn bộ nền kinh tế, cũng như mọi hoạt động sản xuất kinh doanh phấn đấu có sức cạnh tranh cao, có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng trí thức cao.

Chỉ có như vậy thì mới bảo đảm tăng cao thực sự tiền lương (thu nhập), nâng cao thực sự mức sống, chất lượng sống của người dân, chỉ có như vậy thì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh mới trở thành hiện thực.

Nói thì dễ, nhưng làm cho được thì thật là thiên nan, vạn nan. Song không phải là không có cách, là vô phương kế.

Xin nêu mấy việc:

* Năm 2009, doanh số của ngành công nghệ thông tin của Đà Nẵng đạt 1.500 tỷ đồng (70 triệu đô-la) kim ngạch xuất khẩu phần mềm là 8,44 triệu đô-la (170 tỷ đồng). Chỉ với một cái đầu và chiếc máy tính (chi phí về nhà xưởng, năng lượng, nguyên liệu, v.v… đều không đáng kể. Một kỹ thuật viên lập trình một năm làm ra một giá trị sản phẩm 12.000 đô-la, gấp nhiều lần người thợ cật lực gia công cho các thương hiệu lớn về may mặc, giày dép.

Năm 2009, Đà Nẵng đứng đầu các tỉnh, thành về chỉ số sẵn sàng cho công nghệ thông tin. Tiềm năng chất lượng của nhân lực công nghệ thông tin ở Đà Nẵng cho phép chúng ta không chỉ tin ở triển vọng của ngành công nghệ này, hơn thế còn đòi hỏi chúng ta phải phát huy cao độ lợi thế đó không chỉ là mở rộng quy mô, gia tăng doanh số của công nghệ thông tin mà còn phải làm cho công nghệ thông tin trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy toàn bộ hoạt động kinh doanh sản xuất. Nên nhớ rằng đầu ra cho sản phẩm công nghệ này luôn luôn rất thuận lợi.

* Theo báo cáo của ngành Du lịch, năm 2009, thành phố đón 1.350.000 lượt du khách, số ngày lưu trú của khách bình quân là 1,6 và trung bình mỗi ngày một khách chi tiêu ở Đà Nẵng là 400.000 đồng Việt Nam, như vậy gần như chỉ đủ cho tiền phòng khách sạn ba sao.

Trên thế giới, nhiều nước có số lượt khách du lịch đến nhiều hơn số dân như Thụy Sĩ dân số 6 triệu đón 20 triệu khách, nên con số 1,35 triệu khách/0,85 triệu dân ở Đà Nẵng là đáng ghi nhận, song không phải là kỳ tích. Để bứt phá đi lên, ngành Du lịch Đà Nẵng phải tập trung cố gắng để giữ chân du khách (tăng số ngày lưu trú của một khách lên 2,3 ngày) và có cách gì để khách tiêu nhiều tiền hơn ở Đà Nẵng và để có nhiều du khách đã đến với Đà Nẵng sẽ trở lại nhiều lần.

* Chúng ta ai cũng nghĩ cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng là ngon lành. Đà Nẵng đã dồn sức xây cầu, làm đường cho 50 năm, 100 năm. Vậy mà vào những ngày đầu năm 2010 này, chúng ta đã chớm thấy hiện tượng kẹt xe ở một số điểm. Với đà người dân Đà Nẵng đua nhau mua xe hơi ngày càng nhiều, và chỉ trong vài ba năm tới, Đà Nẵng sẽ có thêm khoảng 4.000 phòng khách sạn cao cấp đưa vào hoạt động, một lượng xe không nhỏ phục vụ việc đi lại của khối du khách lớn đó, cầu, đường sẽ trở nên quá tải, là điều được báo trước. Không có sự bứt phá để cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại, đồng bộ thì chính cơ sở hạ tầng mà chúng ta tưởng là ngon lành ấy lại cản trở sự bứt phá của thành phố. Lại chính vì không có sự bứt phá, thành phố không có nguồn lực tài chính để tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng (trước mắt không còn mấy cơ hội cho phương thức đổi đất lấy cơ sở hạ tầng).

Những việc đã làm được, chưa làm được, làm chưa thực sự hiệu quả cao trình bày ở trên đều cho thấy Đà Nẵng cần lắm một sự bứt phá, Đà Nẵng có thể bứt phá mạnh mẽ để đi lên.

Để sớm có một cuộc bứt phá ngoạn mục, trước hết phải có sự bứt phá về tư duy, chỉ có phát huy và tập hợp những nghĩ suy, những kiến giải những kế sách từ các doanh nghiệp, giới doanh nhân, từ mỗi người lao động chân tay và trí óc, từ đội ngũ cán bộ các cấp, từ mọi người dân.

Câu lạc bộ cán bộ trẻ thành phố vừa mở cuộc thi “ Ý tưởng xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng”
Mong rằng qua cuộc thi này sẽ quy tụ được nhiều ý tưởng sáng tạo của đông đảo cán bộ trẻ, giàu trí thức và nhiệt huyết; luôn mạnh bạo trong tìm tòi cái mới, cuộc thi phải trở thành một kênh để tuổi trẻ hiến kế bứt phá cho thành phố.

Mong rằng Báo Đà Nẵng và các cơ quan truyền thông đại chúng sẽ là diễn đàn để mọi người có thể dân chủ trao đổi, bàn thảo với tâm nguyện vì một Đà Nẵng bứt phá đi lên.

Mong sao những người có trọng trách với thành phố sẽ chủ trì các cuộc hội thảo, tọa đàm để lắng nghe và thấu hiểu, tiếp nhận những kiến nghị, những kế sách của các chuyên gia (trong và ngoài nước), các doanh nghiệp, của thứ dân trăm họ đặng có những quyết đoán sáng suốt, hợp lòng người, thuận với thời thế, tạo nên chuyển biến thực sự vì một thành phố bứt phá, cất cánh.

Hơn bao giờ hết Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng, với tư duy sâu sắc, đầy trách nhiệm với hành động quyết liệt, sáng tạo quyết tâm thực hiện lời hứa sắt đá mà Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã trịnh trọng cam kết trong lễ  mừng đón Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Đà Nẵng là đô thị loại 1 cấp quốc gia một sáng đẹp nắng xanh trời cuối năm 2003: “Lịch sử vẻ vang và những ngày đang sống sôi động không chấp nhận  một Đà Nẵng chậm bước, một Đà Nẵng trung bình chủ nghĩa. Tất cả yêu cầu Đà Nẵng bứt phá đi lên.”

Nguyễn Đình An

Đọc thêm