Nan giải chuyện an toàn thực phẩm

     Tiếp theo Nhật Bản, mới đây, Nga cũng có những động tác khuyến cáo và kiểm tra chất lượng mặt hàng thuỷ sản nhập khẩu từ Việt Nam. Chỉ cần như vậy, các doanh nghiệp của Việt Nam lại phải một lần nữa nhìn lại và thắt chặt hơn các quy trình về vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu con giống, thức ăn chăn nuôi cho tới sản xuất, chế biến, đóng gói và xuất khẩu. Tất cả đều phải rất nghiêm ngặt, chỉ cần sơ suất một chút, chỉ cần một chút dư lượng kháng sinh là có nguy cơ mất thị trường, là người tiêu dùng nước ngoài không sử dụng sản phẩm của ta.

Xuất khẩu sang nước ngoài, cho người nước ngoài, người Việt Nam phải cẩn thận đến như vậy. Nhưng sản xuất cho chính người Việt mình ăn thì lại quá dễ dãi, đơn giản. Có vẻ như người Việt quá coi thường tính mạng và sức khoẻ của chính cộng đồng người Việt. Dư luận gần đây lên tiếng khá gay gắt về việc sử dụng tràn lan thuốc tăng trưởng trong chăn nuôi. Cũng phải khó khăn mãi, danh sách 6 doanh nghiệp sử dụng quá mức 2 chất clenbuterol và salbutamol mới được công bố. Đây là 2 chất  bị Bộ Nông nghiệp và PTNT cấm từ năm 2002 do tồn dư của các chất này gây rối loạn chức năng tim và phổi. Việc sử dụng phoóc- môn trong bánh phở được nhiều lần báo động nhưng bất chấp tất cả, những người sản xuất vô lương tâm vẫn không hề biết sợ. Nhiều người vẫn sợ ăn rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc do có khuyến cáo về dư lượng thuốc bảo quản quá lớn. Nhưng cũng ít ai biết, dư lượng thuốc bảo quản lại chính do người Việt mình nhập khẩu về và sử dụng để bảo quản, nhằm giữ rau quả tươi lâu hơn, bán có lãi hơn. Những người buôn gạo lâu năm khuyên người tiêu dùng không nên dùng nhiều loại gạo thơm vì hầu hết do người bán vẩy hoá chất vào gạo. Lúc nấu, gạo có mùi thơm rất dễ chịu nhưng chỉ cần để một thời gian ngắn, gạo bị ải, mục, ăn vào rất có hại. Rồi chuyện dư lượng thuốc trừ sâu trong rau, củ, quả của Việt Nam , chuyện sử dụng quá mức hàn the trong chế biến giò chả... ai cũng biết. Đến nỗi, những người biết sợ không dám dùng hoặc chỉ dùng khi biết rõ nguồn gốc. Nhưng vẫn còn không ít người “ điếc không sợ súng” mua thực phẩm, rau quả ở bất cứ đâu để dùng. Cộng với nguy cơ từ dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng ở trâu, bò, lợn..., nói tóm lại, người Việt bây giờ chẳng biết phải ăn gì mà không lo “bệnh tòng khẩu nhập”. Người chăn nuôi, người trồng rau cũng biết dành riêng gia cầm, lợn, dành riêng những luống rau không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng thuốc tăng trưởng cho gia đình và người thân của mình, còn để bán ra thị trường thì không cần quan tâm.

     Nói như vậy để thấy chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm hiện cũng đáng báo động không kém chuyện về an toàn giao thông. Mỗi khi Tết đến an toàn vệ sinh thực phẩm có được khuấy động lên một chút nhưng rồi đâu lại đóng đấy. Những khuyến cáo, những trăn trở của những người có trách nhiệm chỉ như muối bỏ bể. Các ngành chức năng không kham nổi, không có đủ sức để ngăn chặn đến cùng. Đã đến lúc, mỗi người dân Việt Nam cần phải ý thức rõ hơn bao giờ hết về hiểm hoạ từ thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này cần được quán triệt không chỉ với người tiêu dùng mà cần nhất là từ người chăn nuôi, trồng trọt, từ các nhà sản xuất, chế biến. Không có lý gì khi sản xuất ra nước ngoài thì cẩn thận, nghiêm ngặt mà khi sản xuất cho người mình ăn lại không cần quan tâm tới yếu tố an toàn. Mỗi người tiêu dùng hãy biết đấu tranh, hãy biết tự bảo vệ vì sức khoẻ là vốn quý của gia đình và của cả cộng đồng./.

 

Đọc thêm