“Nóng” vi phạm xây dựng, quy hoạch treo
Tại Hội nghị, nhiều chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn phát biểu về các vấn đề trong hoạt động điều hành như: Xử lý vi phạm trật tự xây dựng, quy hoạch treo, quy hoạch các công trình phúc lợi công cộng ít thu hút vì lợi nhuận không cao, vi phạm trật tự lòng lề đường, công tác phối hợp giữa phường với các cấp cao hơn, giữa các phường, xã với nhau…
Đại diện một số xã, phường đề nghị TP HCM cần có cơ chế hỗ trợ về vấn đề kinh phí, đào tạo năng lực cho các lực lượng thực thi nhiệm vụ; bổ sung thêm lực lượng công chức, viên chức làm việc…
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Minh Thiện, Chủ tịch UBND phường Bình Thuận (quận 7) nêu rõ hiện nay, trên địa bàn phường Bình Thuận có một số dự án chưa triển khai, trong khi có nhiều người dân có đất trong quy hoạch không được chuyển mục đích và cấp phép xây dựng. Điều này dẫn tới tình trạng có một số trường hợp lén lút xây dựng trong khu quy hoạch.
Để tháo gỡ khó khăn này, ông Thiện kiến nghị bố trí ngân sách để thực hiện dự án theo quy hoạch cũng như hướng dẫn các ban ngành liên quan rút ngắn quy trình thụ lý đơn kiện vụ án hành chính, dân sự để sớm xử lý các vụ việc xử phạt, cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Đối với vấn đề thiếu cán bộ ở nhiều phường, xã, thị trấn đông dân sau khi thực hiện Nghị định số 34 (sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố).
Ông Nguyễn Văn Ngân - Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân cho biết: “Hiện nay phường Bình Hưng Hòa A có diện tích 465ha, hơn 31.000 hộ với 122.000 nhân khẩu. Sau khi sắp xếp, phường đã bố trí bốn cán bộ ngồi tại bộ phận tiếp nhận một cửa thì cán bộ còn lại gặp áp lực lớn trong giải quyết công việc cho người dân. Nếu tính số dân thì mỗi cán bộ phải phục vụ 3.500 người dân. Đây là một áp lực rất lớn”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hương Thảo - Chủ tịch xã Tân Kiên, quận Bình Chánh, thực hiện Nghị định 34, huyện Bình Chánh hiện còn 224 cán bộ không chuyên trách, giảm 41%. Theo thống kê số lượng dân số, huyện có bốn xã đông dân cư gồm xã Vĩnh Lộc A có 127.000 dân, Vĩnh Lộc B có 129.000 dân, Bình Hưng có 101.000 dân, Tân Kiên có 60.000 dân.
Giải đáp vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân nói hiện Sở Nội vụ đã đưa ý kiến nhiều lần về số lượng cán bộ không chuyên trách tại các phường, xã theo Nghị định 34.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ khẳng định tiêu chí quy mô dân số không phải tiêu chí để sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, không lấy tiêu chí này để sắp xếp cán bộ.
Theo ông Nhân, dù vậy Sở Nội vụ sẽ tiếp tục có những ý kiến đề xuất phù hợp để đáp ứng công tác phục vụ nhân dân tại các phường, xã, thị trấn.
Nhức nhối ô nhiễm tiếng ồn từ karaoke
Tại buổi đối thoại, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch nhưng thành phố đã chủ động sớm có những biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
TP HCM luôn giữ quyết tâm xem “chống dịch như chống giặc” và “mỗi người dân là một chiến sỹ” trên mặt trận chống dịch. Thời gian qua, TP HCM đã kịp thời ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ, làm đòn bẩy giúp cho doanh nghiệp giảm thiểu tối đa thiệt hại, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Ông Phong đánh giá, lãnh đạo UBND các phường, xã, thị trấn có công lớn khi đã bám sát chương trình, kế hoạch năm góp phần cùng thành phố thực hiện thành công “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế.
Nhờ đó, TP HCM đã giữ mức tăng trưởng kinh tế dương là 1,39%, tiếp tục giữ vững vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước. Ông Phong đề nghị lãnh đạo các phường xã thị trấn phải có ý kiến góp ý, lắng nghe ý kiến phản hồi để đưa giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chủ đề năm của thành phố.
Lãnh đạo UBND TP HCM cũng cho hay thường xuyên nhận phản ánh của người dân về tiếng ồn từ các “hung thần karaoke tự phát”, nhất là sau 10h đêm. “Người dân ban ngày đi làm, tối còn bị tra tấn bởi karaoke tự phát là không thể chấp nhận được. Các địa phương, sở, ngành cần thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này. Đừng xem chuyện này là bình thường”, ông Phong nói.
Ông Phan Đình An - Chủ tịch UBND phường 6, quận Gò Vấp - cho rằng, các địa phương đang gặp khó khăn khi xử lý vấn đề hát karaoke gây tiếng ồn tại các khu dân cư. Theo ông An, hiện nay cơ chế để xử lý đã có nhưng không có khả năng thực thi. Cán bộ phường không thể đo tiếng ồn để có cơ sở xử lý. Ông An kiến nghị TP đưa vào sử dụng một phần mềm đo tiếng ồn, cán bộ khi xử lý chỉ cần cài đặt phần mềm này để xử lý.
Chủ tịch UBND phường 6, quận Gò Vấp Phan Đình An phát biểu tại buổi gặp gỡ, đối thoại. |
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Trung Trực cho rằng, tiếng ồn karaoke không chỉ phát sinh từ các dịch vụ kinh doanh âm nhạc mà còn từ hộ gia đình, gây ồn ào cho hàng xóm.
Bên cạnh đó, tiếng ồn còn phát sinh từ karaoke loa thùng, loa kéo tại các quán ăn ngoài trời. Ông Trực cho biết, ngành môi trường sẽ rà soát, phối hợp các sở, ngành thành lập một tổ liên ngành có công an, các sở và địa phương để đi xử phạt, lập biên bản. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đề xuất những giải pháp cụ thể để xử lý vấn đề này.
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP HCM nói, hiện nay các cơ quan chức năng đều có ý kiến khác nhau về vấn đề karaoke và còn xem đây không phải là công việc của mình. Quy định pháp luật rất cụ thể những việc áp dụng pháp luật, phân định trách nhiệm các đơn vị, sở, ngành còn nhiều vướng mắc.
“Tôi khẳng định cơ quan chủ đạo xử lý vấn đề này là Sở Tài nguyên và Môi trường. Để thực thi đúng trách nhiệm, Sở Tài nguyên và Môi trường cần rà soát lại các quy định pháp luật có liên quan đến văn hóa, môi trường, an ninh trật tự..., từ đó cập nhật cẩm nang hướng dẫn cho cơ sở. Nếu là tổ chức thì nên thành lập tổ công tác liên ngành. Nếu có mức phạt, cách làm rõ ràng thì người dân và đơn vị sẽ tự chấn chỉnh”, ông Hoan nói.