Nạn săn bắt động vật hoang dã, quý hiếm ở Cát Bà: Diễn biến phức tạp

Đã có gần 40 vụ vi phạm được phát hiện và xử lý liên quan đến khai thác gỗ, săn bắt động vật trái phép từ đầu năm đến nay ở khu vực Vườn quốc gia Cát Bà. Trong đó, hiện tượng săn bẫy động vật hoang dã vẫn còn xảy ra dưới hình thức tinh vi hơn làm suy giảm số lượng động vật.

Đã có gần 40 vụ vi phạm được phát hiện và xử lý liên quan đến khai thác gỗ, săn bắt động vật trái phép từ đầu năm đến nay ở khu vực Vườn quốc gia Cát Bà. Trong đó, hiện tượng săn bẫy động vật hoang dã vẫn còn xảy ra dưới hình thức tinh vi hơn làm suy giảm số lượng động vật. Đặc biệt loài sơn dương còn rất ít, chỉ khoảng hơn 20  cá thể. Nhưng điều làm nhiều người lo ngại hơn chính là mối đe dọa thường trực đối với đàn voọc hiện trên thế giới chỉ còn ở Cát Bà.

 

Vi phạm liều lĩnh, tinh vi

 

Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà Hoàng Văn Thập cho biết, hồi đầu năm, lực lượng kiểm lâm gỡ bẫy kịp thời, cứu sống một con sơn dương. Số vụ vi phạm “lâm luật“  được phát hiện tăng 4 vụ so với cùng kỳ 9 tháng năm 2009 cho thấy nhiều khía cạnh của sự phức tạp trong công tác bảo vệ rừng nói chung, bảo vệ động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Cát Bà nói riêng. Mặc dù lực lượng kiểm lâm và những đơn vị chức năng đã “mạnh tay“ hơn trong việc ngăn chặn, xử lý các đối tượng cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, còn ngăn chặn, nhắc nhở và trục xuất 408 đối tượng lấy củi khô, cây dược liệu, cây cảnh, bắt ong, bắt tắc kè, đánh bắt hải sản trong khu vực cấm. Đặc biệt, việc phá thành công 740 bẫy các loại như bẫy sơn dương, bẫy cạm, bẫy dây, cho thấy thực trạng săn bắt động vật ở Vườn quốc gia không còn đơn thuần là chuyện “cơm áo“ của người dân. Bởi lẽ, theo lực lượng kiểm lâm nơi đây, nếu mỗi bẫy không được phá là nguy cơ giết chết ít nhất một động vật trong rừng. Điều nguy hiểm hơn là nếu bẫy trúng một con sơn dương thì nguy cơ xóa sổ loài động vật này lại hiện hữu, bởi theo khảo sát ở Cát Bà hiện chỉ còn hơn 20 con. Đặc biệt, tuy đàn voọc đang được bảo vệ nghiêm ngặt với trách nhiệm không chỉ của Ban quản lý Dự án bảo tồn voọc và Vườn quốc gia Cát Bà, nhưng với tình trạng săn bắt ngày càng gia tăng như hiện nay thì khó có thể bảo đảm rằng đàn động vật đặc biệt quý hiếm này an toàn tuyệt đối. Theo ông Thập, qua 8 lượt kiểm tra từ Hạt Kiểm lâm, tổ kiểm lâm cơ động đến các trạm và báo cáo của các trạm, phát hiện tổng đàn voọc hiện có khoảng 60 đến 70 cá thể.

 

Phải triệt nguồn tiêu thụ trái phép

 

Thực tế, cũng như voọc, sơn dương là loài động vật quý hiếm, nhưng đang phải đối mặt với nạn săn bắn rất lớn. Trong năm 2009, có thời điểm chỉ trong 2 tháng, ít nhất 6 cá thể sơn dương bị giết. Theo xác nhận của Dự án Bảo tồn voọc, sơn dương thường bị săn bắt ở khu vực xã Gia Luận, sau đó được tiêu thụ ở thị trấn Cát Bà để chế biến thành rượu. Điều nguy hiểm ở chỗ, từ việc săn bắn, đánh bẫy động vật hoang dã như sơn dương, rất có thể loài voọc vô tình trở thành nạn nhân của hoạt động nguy hại này. (Lần cuối cùng voọc bị giết hại do nạn săn bắt diễn ra cách đây 8 năm (năm 2001) và từ đó đến nay chưa tái diễn). Hoạt động săn bắt diễn ra phức tạp do lợi nhuận của việc buôn bán động vật hoang dã liên tục tăng gây khó khăn cho công tác bảo vệ động vật hoang dã và loài voọc

 

Giám đốc Dự án Bảo tồn voọc Cát Bà Daniela Schrudde từng thẳng thắn chỉ ra những thách thức đối với Dự án Bảo tồn voọc, trong đó có vấn đề nhận thức của người dân về bảo vệ thiên nhiên ở đảo Cát Bà thấp; nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã diễn biến phức tạp. Hạn chế trong công tác tuyên truyền để người dân tham gia bảo vệ voọc, cũng như chưa có giải pháp triệt để ngăn chặn tình trạng săn bắt, khai thác rừng trái phép cũng chính là mối hiểm họa đối với loài voọc cũng như các động vật hoang dã, quý hiếm khác ở đảo Cát Bà. Mặt khác, theo Giám đốc Hoàng Văn Thập, lực lượng chức năng triển khai mạnh nên phát hiện và ngăn chặn được nhiều vụ bẫy động vật. Nhưng do chế tài xử phạt quá nhẹ, quy định chung chung thay vì cụ thể mức phạt gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ. Đơn cử, lực lượng kiểm lâm Vườn bắt được vụ vận chuyển 3 con khỉ và hàng tấn trầm huyết giác nhưng chỉ áp được khung xử phạt hành chính trong khi lợi nhuận lớn khiến các đối tượng vi phạm “không biết sợ“. Mặt khác, chừng nào chưa thể tạo ra việc làm thay thế cho số đối tượng không có công ăn việc làm thì thật khó “bắt họ ngồi nhà“ trong khi không có nghề gì mưu sinh. Tuy nhiên, điều cốt lõi, có lẽ vẫn là trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử phạt nghiêm với những đối tượng tiếp tay, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã. Chừng nào chưa triệt được nguồn “cầu“ thì chắc chắn nguồn “cung“ vẫn tiếp diễn, trong khi chưa thể trông chờ vào ý thức tẩy chay của một bộ phận đối tượng chuyên “ham của lạ“, thích ăn, uống những món chế biến từ động vật hoang dã, quý hiếm.

 

Văn Lượng

Đọc thêm