Nặn tò he

Tò he được làm bằng bột, thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, lợn, cá... Nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo tẻ trộn với bột gạo nếp theo tỉ lệ 10 phần tẻ, 1 phần nếp, nhưng nếu thời tiết nóng, hanh khô thì phải cho nhiều gạo nếp hơn để giữ được độ dẻo của sản phẩm. Đem gạo ngâm vào nước rồi xay nhuyễn thành bột, sau đó luộc chín và nhào nhanh tay.

Nặn Tò he là trò chơi dân gian của trẻ em.

Tò he được làm bằng bột, thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, lợn, cá... Nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo tẻ trộn với bột gạo nếp theo tỉ lệ 10 phần tẻ, 1 phần nếp, nhưng nếu thời tiết nóng, hanh khô thì phải cho nhiều gạo nếp hơn để giữ được độ dẻo của sản phẩm. Đem gạo ngâm vào nước rồi xay nhuyễn thành bột, sau đó luộc chín và nhào nhanh tay. Nắm bột lại thành từng vắt và nhuộm màu riêng từng vắt. Tò he có bốn màu cơ bản là xanh, đỏ, vàng, đen. Trước đây, cha ông ta sử dụng màu có nguồn gốc tự nhiên và đun sôi với một ít bột: màu vàng làm từ hoa hoè hoặc củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc hoặc dành dành, màu đen thì đốt rơm rạ hoặc dùng cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá chàm hoặc lá riềng. Các màu sắc trung gian khác đều được tạo từ bốn màu này. Bây giờ, người nặn tò he chuyển sang sử dụng màu thực phẩm công nghiệp vừa dễ mua lại dễ pha màu. Các nghệ nhân thường rong ruổi trong các phiên chợ quê, các làng xóm, phố phường để nặn tò he bán, nhất là những nơi có đình đám, hội hè. Hành trang đồ nghề để nặn tò he khá đơn giản, gồm một con dao nhỏ, vài que tre, chút sáp ong, một cái lược và một thùng xốp để cắm tò he lên trưng bày.

Trò chơi nặn tò he không chỉ được trẻ em yêu thích mà ngay cả các du khách nước ngoài cũng rất thích tò he. Các nghệ nhân không chỉ nặn tò he với hình thù đơn giản về các con vật, các loại trái cây… mà còn nặn nhiều hình thù phong phú khác như 12 con giáp và nặn nhiều nhất là các nhân vật nổi tiếng mà trẻ em yêu thích như: Đôrêmon, Pokemon, Tôn ngộ không, Trư Bát Giới, Na tra…

Ngọc Linh

Đọc thêm