Bên cạnh việc đánh giá cao vai trò của tên đường, tên phố và công trình công cộng đối với đô thị, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở cũng thừa nhận đến nay vẫn còn một số vấn đề chưa hợp lý, bất cập, thiếu đồng bộ, nhất là trong việc xây dựng quy hoạch mang tính định hướng về quỹ đường, quỹ tên để đặt tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố.
Việc đặt tên đường phố theo hai vị vua nhà Mạc gần đây gây xôn xao dư luận do thiếu thông tin chính xác |
Tham dự hội thảo, TS Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết nhìn tổng thể, bức tranh đặt tên, đổi tên đường phố Hà Nội trong những năm gần đây có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù vô cùng phức tạp của công tác này của thủ đô Hà Nội nên cũng còn nhiều vấn đề bất cập. Một trong những bất cập lớn nhất trong công tác này của Hà Nội là vấn đề dự báo và quy hoạch.
“Dường như chúng ta còn bị động và thường xử lý tình huống trong nhiều trường hợp, từ đó dẫn đến việc thiếu tính hệ thống. Do thiếu dự báo nên thời gian chuẩn bị cho tên đường, tên phố đôi lúc không được thấu đáo, khi mà công tác nghiên cứu, khảo sát, điều tra chưa được bao nhiêu” – ông Quân nhấn mạnh. Ông Quân cũng nêu ví dụ việc đặt tên đường phố theo hai vị vua nhà Mạc gần đây gây xôn xao dư luận do thiếu thông tin chính xác.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đăng Nhật - nguyên Viện trưởng Viện Sử học cho biết, thực tế hiện nay các công trình công cộng nhiều nhưng tìm tên danh nhân, lịch sử lại không dễ, nhiều tên đường phố chưa được đặt đúng vị thế của nhân vật, ví dụ như đường quá nhỏ, thậm chí chỉ là một ngách nhưng lại được đặt tên cho một danh tướng nổi tiếng, chẳng hạn như danh nhân Nguyễn Trung Ngạn - một đại thần nổi tiếng của nhà Trần cùng thời Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu… nhưng phố mang tên ông ở quận Hai Bà Trưng chỉ là một ngõ nhỏ từ phố Nguyễn Công Trứ (số nhà 18 rẽ vào) dài 46m, rộng 3m.
Bên cạnh đó lại có nhiều đường phố đặt tên danh nhân không thật sự điển hình nên nhân dân không biết là ai, ở thời nào, có công trạng gì… Chưa kể tình trạng lộn xộn, thiếu nhất quán trong việc đặt tên đường, phố và các công trình công cộng ở Hà Nội còn khá phổ biến.
Đặt tên sao cho hợp tình, hợp lý?
Bàn về giải pháp quy hoạch đường sao cho phù hợp, Đại tá, PGS.TS Dương Hồng Anh - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam bày tỏ quan điểm trong điều kiện hội nhập, đổi mới và phát triển, việc sử dụng tên nhân vật cần mở rộng đối tượng, phạm vi, không nên chỉ giới hạn các anh hùng, danh nhân văn hóa, nghệ sĩ mà cần mở rộng đến các đối tượng khác, đặc biệt là các doanh nhân.
Về việc đặt tên danh nhân trong thời gian gần đây, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội Trương Minh Tiến thừa nhận đây là việc khó. “Trước đây danh nhân nổi tiếng dồi dào, gần đây cạn dần” - ông Tiến cho hay.
Nói về giải pháp quy hoạch trước mắt, PGS.TS Nguyễn Đăng Nhật cho rằng, việc đặt tên đường phố cũng như các công trình công cộng trên địa bàn Hà Nội cần căn cứ vào các tiêu chí và ưu tiên thứ tự như: thứ nhất, đặt tên địa danh vốn có của địa phương, được nhân dân thường gọi; thứ hai đặt tên các danh nhân (nhân vật lịch sử-văn hóa) người địa phương hoặc sự kiện diễn ra ở địa phương dự định đặt tên; thứ ba, đặt tên các nhân vật, sự kiện có liên quan gần nhau; thứ tư, tại các khu đô thị, đặt tên đường nên lấy tên đô thị làm gốc, sau đó là các con số thứ tự, ví dụ Xa La 1, Xa La 2, Xa La 3...; thứ năm, tên đường giao thông nông thôn nên ưu tiên lấy tên địa danh của vùng đất đó.
PGS.TS Nhật cũng đề xuất khi đặt tên đường cũng nên có biển giải thích tên gọi, ví dụ như giải thích tên gọi, năm sinh, năm mất và công trạng của danh nhân được đặt tên đường để nhân dân hiểu rõ hơn…
Tổng hợp các quan điểm tại hội thảo có thể thấy để đặt, đổi tên đường phố một cách hợp tình, hợp lý, khoa học thì cùng với việc tiếp nhận đề nghị của các cơ quan, địa phương, Sở VH-TT phải chuẩn bị một ngân hàng dữ liệu tên và chia (sắp xếp) theo loại hình: địa danh, nhân vật, sự kiện..., đồng thời lập sơ đồ và lên danh mục các đường, phố, công trình công cộng cần đặt tên.
Muốn có một ngân hàng dữ liệu này, Sở cần xin ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức như Hội Khoa học Lịch sử, Hội Văn học nghệ thuật, Viện Sử học, Viện Văn học, Viện Nghiên cứu văn hóa... Và việc lập ngân hàng dữ liệu tên đường, phố và các công trình công cộng phải được coi như là đề tài khoa học thường niên của Sở VH –TT.
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, GS Phan Huy Lê cho rằng việc trùng tên phố ở Hà Nội và Hà Đông cũng là một vấn đề cần phải giải quyết trước mắt. Việc trùng tên hiện nay đang khó khắc phục được với các địa bàn riêng, chính quyền riêng. Ngay cả việc sau đó thay đổi hộ khẩu, chứng minh nhân dân cũng là một vấn đề nan giải. Việc đặt lại rất khó khăn, do đó trước hết phải xây dựng ngân hàng tên tuổi rồi sẽ sàng lọc, thẩm định.
lĐối với những người có công danh, công trạng vừa qua đời, theo các chuyên gia nên có sự nghiên cứu rõ ràng, minh bạch rồi mới quyết định phân bổ theo tuyến đường “tỉ lệ thuận” với công trạng.