Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, ngành sản xuất cây giống ở Đà Lạt - Lâm Đồng đã xây dựng cho mình một lực lượng nghiên cứu và trực tiếp sản xuất tương đối hùng hậu, với khoảng 150 lao động là cán bộ được đào tạo đại học, trên đại học và hơn 260 nhân viên kỹ thuật hoặc lao động phổ thông thạo việc. Các cơ sở tư nhân thường hiện có từ 1 đến 3 cán bộ có trình độ đại học trở lên, một số ít là nhân viên kỹ thuật được đào tạo trung cấp, cao đẳng, lao động phổ thông có tay nghề.
Sản xuất cây giống đang là thế mạnh của Đà Lạt - Lâm Đồng |
Trong mấy năm gần đây, việc đầu tư trang thiết bị đã được các cơ sở nuôi cấy tế bào thực vật chú trọng quan tâm, vì vậy hàng năm, ngành sản xuất cây giống ở Đà Lạt - Lâm Đồng đã cung ứng cho thị trường khoảng 20 triệu cây giống đảm bảo chất lượng. Với sự phát triển cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ lao động, ngành sản xuất cây giống ở Đà Lạt - Lâm Đồng đã nhanh chóng trở thành thương hiệu được nhiều tỉnh, thành trong cả nước và một số quốc gia trên thế giới đánh gia cao. Một số người quan tâm đến lĩnh vực sản xuất cây giống cho rằng, Đà Lạt - Lâm Đồng là địa phương có khí hậu khá thuận lợi để phát triển ngành sản xuất này, bởi giá thành giảm so với nhiều địa phương trong cả nước. Và do điều kiện khí hậu hết sức thuận lợi cho việc xây dựng các phòng nuôi cấy mô với chi phí thấp, đa dạng chủng loại cây trồng, đặc biệt là các giống rau, hoa nên bước đầu Đà Lạt - Lâm Đồng đã hình thành nhiều mô hình sản xuất cây giống chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất của bà con nông dân cũng như các doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, Lâm Đồng còn là nơi hội tụ của nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các cơ quan nghiên cứu Trung ương và địa phương nên đã thừa hưởng một nguồn nhân lực dồi dào và những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến do các đơn vị này mang lại. Điều đáng mừng là bên cạnh những cơ quan nghiên cứu chuyên sâu, nhiều nông dân và doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư phòng thí nghiệm để chuyển từ công tác nghiên cứu, sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh với quy mô lớn. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong thời điểm hiện nay, lực lượng lao động phục vụ trong ngành sản xuất cây giống ở địa phương tương đối đảm bảo. Tuy nhiên, muốn xuất khẩu ngày càng nhiều cây giống ra nước ngoài, đồng thời ứng dụng những thành tựu tiên tiến hơn để sản xuất ra những loại cây giống thế mạnh có bản quyền, đòi hỏi Đà Lạt - Lâm Đồng phải tiếp tục đào tạo một lực lượng có trình độ và tâm huyết với nghề, phải có điều kiện cọ sát với thực tế để củng cố kiến thức và có thêm nhiều sáng kiến hay phục vụ trở lại cho ngành sản xuất cây giống ở địa phương. Chính vì điều này mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng đã có định hướng trong thời gian tới sẽ ưu tiên ứng dụng khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ nồng cốt trong ngành sản xuất cây giống ở địa phương. Để ngành sản xuất cây giống ở Đà Lạt - Lâm Đồng phát triển bền vững và mang lại hiệu quả cao, một trong những vấn đề lớn cần tập trung, đó là đào tạo nguồn nhân lực kế cận, nhằm thực hiện thành công chủ trương “đi tắt đón đầu”. Qua đó, xây dựng đội ngũ cán bộ lành nghề cho ngành sản xuất cây giống ở địa phương, góp phần tích cực vào chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng chất lượng cao để đưa vào sản xuất đại trà trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới.
Hải Phong