Nâng cao chất lượng phối hợp với các cơ quan hữu quan trong công tác tư pháp

(PLO) - Đó là một trong những giải pháp cơ bản mà các địa phương đề cập tại Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2018 diễn ra chiều qua , 17/7, nhằm bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ tư pháp đúng tiến độ, chất lượng.
Các đại biểu tại điểm cầu Quảng Ninh lắng nghe phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh baoquangninh
Các đại biểu tại điểm cầu Quảng Ninh lắng nghe phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh baoquangninh

Theo đánh giá của Lãnh đạo Sở Tư pháp Đồng Nai, điểm nổi bật trong công tác 6 tháng đầu năm là công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ với địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác tham mưu UBND tỉnh được nâng cao.

Tỷ lệ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp chuyển biến rõ rệt với hơn 8.500 Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) được cấp, hơn 99% phiếu cấp đúng hạn, mức độ hài lòng của người dân đạt hơn 98%.

Thời gian tới, kiến nghị Bộ có hướng dẫn cụ thể trong việc chuyển đổi phòng công chứng, trung tâm dịch vụ bán đấu giá, trong phối hợp giữa ngành Tư pháp và ngành Công an để xác minh thông tin, rút ngắn thời gian cấp Phiếu LLTP.

Đồng thời kiến nghị cần sớm có quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động của Thừa phát lại (TPL) để kịp thời chấn chỉnh và hạn chế các sai phạm trong việc lập vi bằng.

Sau khi thông tin về kết quả công tác 6 tháng đầu năm, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn đã nêu lên một số đề xuất, kiến nghị cụ thể. Theo đó, là địa phương có số lượng giao dịch lớn, để giảm tải áp lực công việc, Hà Nội đề xuất phân cấp cho UBND cấp huyện tiếp nhận và trả Phiếu LLTP số 1, còn phiếu số 2 vẫn thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp.

Đồng thời kiến nghị cần sớm có phần mềm quản lý hoạt động của các tổ chức và cá nhân hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; nghiên cứu vấn đề công bố thủ tục hành chính trong tiếp nhận đăng ký vi bằng của TPL để thuận lợi trong quản lý nhà nước. 

Đề cập tới khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực LLTP, Giám đốc Sở Tư pháp Hải Dương Ngô Quang Giáp cho biết, việc tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu LLTP còn phụ thuộc nhiều vào cơ quan Công an và Trung tâm LLTP quốc gia, việc khai thác tại chỗ còn hạn chế.

Việc lập Phiếu LLTP còn chậm do thông tin Tòa án gửi còn thiếu, số lượng thông tin cần bổ sung nhiều; công tác rà soát, đối chiếu thông tin LLTP đã tiếp nhận còn chưa đầy đủ và kịp thời. Công tác phối hợp và cung cấp thông tin giữa các cơ quan chưa chặt chẽ, đội ngũ cán bộ làm công tác này còn thiếu và trình độ chuyên môn hạn chế…

Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật LLTP về quản lý, xây dựng, khai thác cơ sở dữ liệu, đảm bảo đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Bộ Tư pháp cần tăng cường phối hợp với Bộ Công an để giải quyết triệt để tình trạng quá hạn trong cấp Phiếu LLTP; duy trì và nâng cao hiệu quả giải pháp kiềng 3 chân trong giải quyết cấp Phiếu LLTP ngoại tỉnh và nước ngoài. Đối với trường hợp chậm trả kết quả xác minh cần nêu rõ lý do để tránh khiếu kiện của người dân. 

Còn Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM Huỳnh Văn Hạnh tỏ ra băn khoăn khi số lượng vi bằng TPL lập ngày càng lớn nhưng vẫn áp dụng quy định pháp luật trong thời gian thí điểm nên còn xảy ra bất cập; thẩm quyền lập vi bằng của TPL còn chung chung, gây lúng túng trong công tác quản lý…

Do đó, kiến nghị cần sớm ban hành nghị định quy định về tổ chức hoạt động của TPL theo hướng TPL tự chịu trách nhiệm về hành vi lập vi bằng; bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động TPL; nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về lập vi bằng để giảm tải áp lực lưu trữ cho Sở Tư pháp và các văn phòng TPL.

Đọc thêm