Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng khu phố văn hoá, tuyến phố văn minh ở thành phố Nam Định

Những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" (TDĐKXDĐSVH) ở TP Nam Định đã góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng phong trào xây dựng khu phố văn hóa, tuyến phố văn minh có xu hướng chững lại.
Khu dân cư số 3 phường Vị Hoàng (TP Nam Định) đạt danh hiệu khu dân cư văn hoá.
Ảnh: Dương Đức

Những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" (TDĐKXDĐSVH) ở TP Nam Định đã góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng phong trào xây dựng khu phố văn hóa, tuyến phố văn minh có xu hướng chững lại.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, phong trào TDĐKXDĐSVH nói chung và phong trào xây dựng khu phố văn hóa, tổ dân phố văn hóa, tuyến phố văn minh trên địa bàn TP Nam Định đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần ngăn ngừa các tai, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, an toàn giao thông với mục tiêu xây dựng thành phố "xanh-sạch-đẹp", nếp sống văn hoá, văn minh đô thị. Đến nay, thành phố có gần 300/597 khu phố, tổ dân phố, xóm đạt danh hiệu nếp sống văn hóa. Tại các khu phố, tổ dân phố được công nhận và giữ vững, phát huy danh hiệu, xuất hiện nhiều điểm sáng, mô hình tiên tiến trong phong trào xây dựng nếp sống văn hóa; cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị cùng nhân dân đoàn kết, thi đua thực hiện có hiệu quả các tiêu chí: không có trẻ em bỏ học, không có người sinh con thứ ba, không có khiếu kiện vượt cấp, không có các tệ nạn xã hội, giữ gìn cảnh quan đường phố, vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp. Tiêu biểu như các tổ dân phố phường Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du thành lập tổ tự quản, nhóm liên gia trông nom bảo quản tài sản; về ban đêm, đều có chốt gác, các thành viên trong nhóm thay nhau đi tuần, do vậy, tình hình an ninh trật tự ở những khu phố này được duy trì, giữ vững. Tại phường Phan Đình Phùng, hưởng ứng phong trào xây dựng tuyến phố văn minh, UBND phường đã xây dựng kế hoạch, chọn 7 tổ dân phố (số 10, 11, 12, 13, 14, 15, 26) và thành lập các tổ công tác tham gia đôn đốc các tầng lớp nhân dân xây dựng và đảm bảo vệ sinh môi trường, không đổ rác, phế thải xây dựng trên hè, lòng đường trên các tuyến đường Phan Đình Phùng - Bạch Đằng - Nguyễn Trãi giáp với phường Vị Hoàng - Trần Nhân Tông. UBND phường thường xuyên tuyên truyền trên đài phát thanh 2 buổi/ngày vận động toàn dân tham gia gìn giữ vệ sinh tuyến phố.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào TDĐKXDĐSVH ở TP Nam Định còn tồn tại một số hạn chế; nhất là chất lượng phong trào xây dựng khu phố văn hóa, tuyến phố văn minh, gia đình văn hoá có xu hướng chững lại. Điều đáng quan tâm là tỷ lệ gia đình văn hoá, khu dân cư tiên tiến, tổ dân phố văn hoá khá cao, nhưng chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Không ít nơi, mục tiêu, tiêu chuẩn xây dựng đời sống văn hoá, những quy định, quy ước về nếp sống văn hoá chưa được tự giác thực hiện. Ban chỉ đạo phong trào ở một số phường, xã hoạt động còn yếu kém, sự phối hợp giữa các ngành thành viên trong ban chỉ đạo phong trào ở địa phương chưa thật thường xuyên, chặt chẽ. Phong trào xây dựng "Gia đình văn hoá" ở một số nơi còn nặng về hình thức, cá biệt, có hộ được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hoá", song vẫn có người mắc vào các tệ nạn xã hội. Tổ dân phố số 7, khu dân cư số 3, phường Trần Đăng Ninh (TP Nam Định) có 97 hộ dân với trên 300 nhân khẩu, được công nhận danh hiệu "Tổ dân phố văn hoá" năm 2008. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngay cả những người đang sinh sống trên địa bàn tỏ ra bức xúc về tình trạng mất an ninh trật tự, nhiều gia đình bị kẻ gian lấy cắp tài sản; đồng thời, tổ 7 cũng là "điểm nóng" có nhiều đối tượng nghiện ma tuý từ nhiều nơi về đây tụ tập. Tại phường Cửa Bắc có 39 tổ dân phố với 4276 hộ, 13457 nhân khẩu, trong đó có 11 tổ dân phố đạt danh hiệu tổ dân phố văn hóa, 2972 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Bên cạnh những chuyển biến tích cực về đời sống kinh tế, các phong trào gìn giữ an ninh trật tự như "tự phòng, tự quản, tự bảo vệ" được đẩy mạnh, thì tệ nạn xã hội, nghiện hút vẫn diễn ra phức tạp trên địa bàn. Từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn phường đã bắt 114 vụ (121 đối tượng) phạm tội ma túy. Truy tố, triệt xóa 10 ổ nhóm, 29 điểm mua bán trái phép chất ma túy, hiện trên địa bàn còn 27 người nghiện ma túy.

Cùng với phong trào xây dựng khu phố văn hóa, tổ dân phố văn hóa thì vấn đề xây dựng tuyến phố văn minh là một nội dung quan trọng trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân góp phần đưa thành phố ngày càng "Xanh - sạch - đẹp". Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn tồn tại những bất cập, hạn chế trong việc quản lý, gìn giữ trật tự đô thị trên các tuyến phố văn minh trên địa bàn thành phố. Phường Bà Triệu có 17 tuyến phố với hơn 2100 hộ dân, trong đó, có 6 tuyến phố được chọn làm điểm để triển khai xây dựng mô hình "Tuyến phố văn minh", gồm phố: Trần Bình Trọng, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Trường Chinh, Trần Đăng Ninh, Hàng Tiện. Nhưng thời gian qua, tại các tuyến phố "kiểu mẫu", đã xuất hiện tình trạng lấn chiếm lòng đường, họp chợ, để phương tiện giao thông trái quy định. Nhất là trên tuyến phố Trần Bình Trọng, dọc hai bên vỉa hè, các hộ kinh doanh ngang nhiên căng bạt, bầy hàng "chiếm lĩnh" phần đường dành cho người đi bộ, gây mất cảnh quan đô thị. Dưới lòng đường, xe thồ, người bán hàng dong họp chợ nhộn nhịp với đủ thứ mặt hàng từ hoa tươi, thịt cá, rau củ quả, hàng khô, hàng mã. Những người đang cư trú trên địa bàn các tuyến phố "kiểu mẫu" nói riêng và nhân dân thành phố rất bức xúc trước cảnh lộn xộn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, họp chợ, kinh doanh dịch vụ trái quy định tại các tuyến phố này.

Để nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH nói chung và phong trào xây dựng khu phố văn hóa, tuyến phố văn minh thời gian tới, thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong toàn xã hội về mục tiêu, hiệu quả của phong trào. Nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền về văn hoá và xây dựng đời sống văn hoá. Thực hiện, phát huy vai trò, trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, thành viên Ban chỉ đạo các cấp trong việc lồng ghép thực hiện các nội dung tiêu chí chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng phong trào; khơi dậy, phát huy ý thức tự nguyện, tự giác của các gia đình đăng ký và phấn đấu xây dựng gia đình văn hoá; ý thức và trách nhiệm tự quản cộng đồng của các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư, phấn đấu giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng danh hiệu khu phố văn hoá, gia đình văn hoá. Đồng thời, để các tuyến phố văn minh ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần đưa thành phố ngày càng "Xanh - sạch - đẹp", cần tăng cường công tác quản lý, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp chính quyền, các ngành hữu quan. Xây dựng quy chế và có chế tài cụ thể, sâu sát với thực tế, góp phần đẩy lùi và xoá bỏ tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, họp chợ. Các tuyến phố văn minh chưa đạt đủ 7 tiêu chí xây dựng tuyến phố văn minh đô thị cần được đầu tư, nâng cấp, hoặc kiên quyết "đưa ra khỏi" danh sách, nhằm nâng cao chất lượng tuyến phố "kiểu mẫu" theo đúng mục đích đề ra./.

VIỆT THẮNG

Đọc thêm