Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

(PLO) - Hòa giải ở cơ sở là hoạt động mang tính tự nguyện, tự quản của người dân và là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Công tác hòa giải góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Các hòa giải viên tổ hòa giải thôn Đẽn, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch họp bàn trao đổi kinh nghiệm trong công tác hòa giải.
Các hòa giải viên tổ hòa giải thôn Đẽn, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch họp bàn trao đổi kinh nghiệm trong công tác hòa giải.

Xuất phát từ nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở, ngày 20/6/2013 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014. Để tổ chức triển khai Luật, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Tư pháp đều tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có công tác hòa giải ở cơ sở và ban hành hướng dẫn rà soát, củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.429 tổ hòa giải với 9.349 hòa giải viên; 100% thôn, tổ dân phố có tổ hòa giải, một số thôn, tổ dân phố có 2 tổ hòa giải. Mỗi tổ hòa giải trung bình có từ 5-7 thành viên, hầu hết là người có uy tín, người hiểu biết pháp luật tham gia. Việc củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải ở cơ sở luôn gắn với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hàng năm, việc bầu và miễn nhiệm tổ trưởng, tổ viên tổ hòa giải được thực hiện nghiêm túc theo đúng theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và văn bản hướng dẫn thi hành.

Nhìn chung, các Tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh cơ bản hoạt động có hiệu quả. Trong giai đoạn 2013 - 2016, các Tổ hòa giải đã tiếp nhận 6.400 vụ việc, trong đó hòa giải thành 5.098 vụ, tỷ lệ trung bình đạt trên 80%. Một số địa phương cấp huyện có tỷ lệ vụ việc hòa giải thành cao như Vĩnh Yên (91%), Bình Xuyên (89%), Yên Lạc (81%). Những kết quả đạt được trong công tác hòa giải góp phần giải quyết được nhiều vụ việc dẫn đến mâu thuẫn, xung đột trong nội bộ nhân dân. Nhờ làm tốt công tác hòa giải, nhiều địa phương đã hạn chế được số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay tại cấp cơ sở, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư và góp phần không nhỏ vào công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền cấp cơ sở.

Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế như một số địa phương chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở nên thiếu sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí cho công tác này. Việc trang bị kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ cần thiết cho hòa giải viên chủ yếu mới đến Tổ trưởng tổ hòa giải, nhiều hòa giải viên còn hạn chế về kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải. Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của những người làm công tác hòa giải. Việc biểu dương, khen thưởng các hòa giải viên có thành tích xuất sắc tại một số địa phương chưa được quan tâm kịp thời; công tác phối hợp với các cơ quan liên quan còn chưa chặt chẽ.

Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần xác định đúng vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan tư pháp, nhất là trong việc phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cùng cấp của Mặt trận trong công tác này. Cùng với đó, cần tiếp tục củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng Tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật để nâng cao nhận thức cho các hòa giải viên về đường lối, chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải.

Mỗi địa phương cần chú trọng tới việc cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên cũng như đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn để có nguồn văn bản cho các hòa giải viên tham khảo. Đặc biệt, cần tăng cường phổ biến sâu rộng pháp luật về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác này, từ đó sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng; giữ gìn sự đoàn kết nội bộ trong nhân dân. Kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào xây dựng nông thôn mới và thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở. 

Các địa phương cần thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, sơ kết, tổng kết và khen thưởng đối với công tác hòa giải ở cơ sở để kịp thời biểu dương khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Cùng với đó, cần bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 21/2017/NQ-HĐND ngày 17/7/2017 của HĐND tỉnh quy định một số mức chi thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, có hiệu lực thi hành từ ngày 18/7/2017. 

Đọc thêm