Đồng chí Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp và ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Văn phòng KAS tại Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.
Yêu cầu ngày càng cao đối với công tác xây dựng pháp luật
Phát biểu khai mạc, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức cho biết hoạt động xây dựng pháp luật theo quy định tại Luật ban hành VBQPPL, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, tổ chức pháp chế vốn đã được giao nhiều nhiệm vụ khó, tính chất đặc thù, tinh thần trách cao thì nay sẽ ngày càng có thêm nhiều nhiệm vụ và với yêu cầu cao hơn. Bên cạnh đó, Nghị quyết 27-NQ/TW cũng đã đề ra nhiệm vụ phải nâng cao bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức phát biểu khai mạc. |
Do đó, trong tháng 5/2024, Chính phủ đã ban hành 02 Nghị định: Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/05/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP.
Ông Trần Anh Đức nhấn mạnh, Hội nghị là cơ hội để các đại biểu lắng nghe những chính sách mới trong hai Nghị định; trao đổi, thảo luận về nội dung, cách thức triển khai hai Nghị định vừa được Chính phủ ban hành; tham vấn nội dung xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả công tác pháp chế.
Để hội nghị đạt hiệu quả, đồng chí đề nghị các diễn giả và đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi vào các giải pháp cụ thể; đồng thời đưa ra ví dụ thực tiễn trong quá trình tổ chức triển khai Nghị định số 56/2024/NĐ-CP, Nghị định số 59/2024/NĐ-CP và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của đơn vị, địa phương mình.
Ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Văn phòng KAS tại Việt Nam. |
Ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Văn phòng KAS tại Việt Nam cho biết Hội nghị là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác song phương giữa Viện KAS và Bộ Tư pháp. Đây cũng là cơ hội các bên tăng cường giao lưu, học hỏi, gắn kết hơn nữa trong phối hợp công tác giữa những người làm công tác pháp chế. Ông khẳng định viện KAS sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp với Bộ Tư pháp nhằm tăng cường công tác pháp chế, xây dựng pháp luật trong thời gian tới.
Bổ sung chế độ hỗ trợ cho người làm công tác pháp chế
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe ông Trần Anh Đức trình bày một số điểm mới của Nghị định số 56/2024/NĐ-CP và Nghị định số 59/2024/NĐ-CP.
Cụ thể, Nghị định số 56/2024/NĐ-CP có các quy định mới tập trung vào các nhóm vấn đề về: phạm vi, đối tượng điều chỉnh; nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế; tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; tiêu chuẩn, chế độ của người làm công tác pháp chế; điều kiện bổ nhiệm người đứng đầu tổ chức pháp chế...
Nghị định số 59/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tập trung vào 03 nhóm vấn đề: Nhóm các quy định để đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL; Nhóm quy định được sửa đổi, bổ sung để quy định rõ hơn, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bộ, ngành, địa phương nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL; Nhóm quy định được sửa đổi, bổ sung để nâng cao trách nhiệm của cơ quan lập đề nghị, soạn thảo VBQPPL và các chủ thể có liên quan trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL.
Các khách mời trao đổi tại Hội nghị. |
Theo đánh giá của bà Đỗ Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp: Nghị định số 56/2024/NĐ-CP đã tạo ra bước đột phá với 2 trụ cột đó là quy định về chức danh, tiêu chuẩn ngạch pháp chế viên, pháp chế viên chính, pháp chế viên cao cấp và chế độ hỗ trợ dành cho pháp chế viên. Các quy định này sẽ góp phần chuẩn hoá chức danh pháp chế, thể hiện được sự chuyên nghiệp và vai trò nòng cốt của người làm công tác pháp chế đối với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong giai đoạn mới.
Trước câu hỏi cán bộ pháp chế cấp Tổng cục, Cục thuộc Bộ có được hưởng chế độ ưu đãi không, Ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính nêu rõ: Căn cứ vào vị trí việc làm về nghiệp vụ chuyên môn pháp chế trong cơ quan, tổ chức hành chính, người làm công tác pháp chế ở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được hưởng mức hỗ trợ là 60.000 đồng/ngày làm việc, ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được hưởng mức hỗ trợ là 40.000 đồng/ngày làm việc. Ông Sơn cũng giải thích thêm về quy trình, thủ tục để được hưởng chế độ này.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Tiếp đó, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các điểm mới; cách thức tổ chức, triển khai và đánh giá những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện 2 Nghị định nêu trên.