Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế

(PLVN) - Trong thời gian qua, công tác thu hồi tài sản tham nhũng đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và đạt được những chuyển biến tích cực, kết quả thu hồi tài sản mặc dù năm sau cao hơn năm trước.
Chấp hành viên phối hợp cơ quan chức năng tổ chức thi hành án (ảnh minh họa)
Chấp hành viên phối hợp cơ quan chức năng tổ chức thi hành án (ảnh minh họa)

Kịp thời trong công tác tham mưu

Cụ thể, năm 2021, mặc dù do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) vẫn thu hồi được trên 4.094 tỷ đồng; năm 2022 thu được số tiền trên 15.989 tỷ đồng; 06 tháng đầu năm 2023 thu được số tiền trên 18.531 tỷ đồng, tăng 9.481 tỷ đồng (tăng 104,76%) so với cùng kỳ năm 2022.

Kết quả thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án đạt được kết quả như trên là sự quyết tâm, nỗ lực của Bộ Tư pháp và Hệ thống THADS trong việc thực hiện mục tiêu thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Theo đó, Tổng cục THADS đã tham mưu cho đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng - Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký 02 văn bản gửi Ban cán sự đảng các Bộ, ban, ngành ở Trung ương và các tỉnh, thành ủy đề nghị xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế để triển khai tại cơ quan, đơn vị, địa phương; định kỳ hàng năm tổng hợp, xây dựng và gửi báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW về Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng cục THADS báo cáo Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật, trong đó có Luật THADS. Theo đó, sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56, 57 quy định về uỷ thác xử lý tài sản, góp phần khắc phục những bất cập trong cơ chế uỷ thác hiện hành, đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản đồng thời ở nhiều địa phương để thu hồi tối đa tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế cho Nhà nước. Có thể nói đây là một bước đột phá quan trọng về thể chế bảo đảm thu hồi nhanh, thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt.

Tích cực, chủ động trong công tác phối hợp

Đồng thời, Tổng cục THADS đã chủ động, tích cực phối hợp hoặc tham mưu Bộ Tư pháp phối hợp với bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành các vụ việc. Trong đó đã tham mưu cho Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp có văn bản gửi Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương có ý kiến đề nghị Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thống nhất trong hệ thống Tòa án về quan điểm xử lý tài sản đã được bản án tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án, văn bản đề nghị đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy – Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Tham mưu Lãnh đạo Bộ tổ chức họp liên ngành, có văn bản trao đổi với các cơ quan Trung ương như: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thống nhất quan điểm xử lý đối với tài sản bản án tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án; Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tổng cục THADS trực tiếp làm việc hoặc có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm phối hợp tháo gỡ khó khăn trong xử lý tài sản một số vụ việc phức tạp.

Tổng cục THADS có văn bản chỉ đạo Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đối với công tác thu hồi tài sản đang do các cơ quan THADS tổ chức thực hiện; kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ đối với những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế do địa phương đề nghị; giám sát chặt chẽ quá trình xử lý tài sản của Chấp hành viên, các cơ quan THADS trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo thông qua việc yêu cầu địa phương gửi toàn bộ các tài liệu phát sinh trong quá trình xử lý vụ việc về Tổng cục THADS.

Cùng với đó định kỳ hàng tháng báo cáo tiến độ, kết quả xử lý vụ việc về Tổng cục THADS; trực tiếp kiểm tra hồ sơ vụ việc và thực địa tài sản bảo đảm thi hành án. Trên cơ sở rà soát, đánh giá, Tổng cục THADS đã kịp thời chỉ đạo, đặc biệt ngăn chặn kịp thời những sai phạm xảy ra trong quá trình tổ chức thi hành án, qua đó phòng, tránh được những hậu quả gây thất thoát tài sản của Nhà nước ngay chính trong quá trình tổ chức thi hành các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Tuy kết quả thu hồi tài sản mặc dù năm sau cao hơn năm trước nhưng vẫn còn thấp là một trong những hạn chế, thách thức trong công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế hiện nay.

Có thể thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế chưa đạt như mong muốn. Trong đó, có nguyên nhân do tài sản được Tòa án tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án chưa được các cơ quan điều tra làm rõ về tính pháp lý khi tiến hành kê biên dẫn đến cơ quan THADS gặp khó khăn khi xử lý tài sản; việc giải thích bản án của Tòa án còn kéo dài; việc chuyển giao tang vật, tài liệu kèm theo bản án còn chậm; quan điểm xử lý của Tòa án đối với các tranh chấp liên quan đến tài sản kê biên chưa thống nhất đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xử lý tài sản…

Đôn đốc, kiểm tra sát sao từng vụ việc

Để nâng cao hiệu quả, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, cần tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các cơ quan có liên quan như Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Về phía Tổng cục THADS, cần tích cực phối hợp liên ngành ở cả Trung ương và địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý tài sản, bảo đảm sớm thu hồi tài sản của nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt. Tiếp tục hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra sát sao đối với từng vụ việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nhất là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Các cơ quan THADS địa phương phải thực hiện hiệu quả công tác thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, xác định đây là nhiệm vụ mang tính chính trị, ưu tiên hàng đầu của toàn Hệ thống.

Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về thu hồi tài sản tham nhũng, nhất là quy định về truy tìm, truy thu, kê biên, phong tỏa và xử lý tài sản. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan THADS trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản; đẩy mạnh hoạt động tương trợ tư pháp, sớm phát hiện và xử lý tài sản phạm tội ở nước ngoài.

Chấp hành viên cơ quan THADS cũng cần nâng cao trách nhiệm, kỹ năng giải quyết, xử lý hồ sơ thi hành án liên quan đến các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Nguyễn Thị Thu Hằng – Vụ Nghiệp vụ 2, Tổng cục Thi hành án dân sự

Đọc thêm