Nắng Mai - ngôi nhà của tình yêu thương

“Nắng Mai” có nghĩa là ánh nắng đẹp nhất trong ngày, còn có nghĩa rộng hơn là sự tin tưởng, niềm tin vào sự tươi mới, tốt đẹp trong tương lai. Đó chính là ý nguyện của chủ cơ sở sản xuất Nắng Mai Đà Lạt - 60B Hùng Vương, phường 9 khi thành lập công ty

“Nắng Mai” có nghĩa là ánh nắng đẹp nhất trong ngày, còn có nghĩa rộng hơn là sự tin tưởng, niềm tin vào sự tươi mới, tốt đẹp trong tương lai. Đó chính là ý nguyện của chủ cơ sở sản xuất Nắng Mai Đà Lạt - 60B Hùng Vương, phường 9 khi thành lập công ty với mong muốn mang niềm tin, tình yêu thương đến cho người khuyết tật, mong muốn cơ sở của mình sẽ là nơi chia sẻ, đón nhận tình yêu thương giữa những anh chị em khuyết tật với nhau...
Các sản phẩm của Nắng Mai do những người khuyết tật làm.
Các sản phẩm của Nắng Mai do những người khuyết tật làm.
Gặp Giám đốc Công ty, chị Trần Thị Trang với dáng vẻ hiền dịu, gương mặt nhân hậu càng như làm tăng thêm niềm tin trong tôi khi chị nói về ý tưởng thành lập Công ty với mong muốn tạo điều kiện về việc làm, thu nhập, dành tâm huyết, tình cảm cho người khuyết tật - đối tượng yếu thế trong xã hội. Chị Trang tâm sự: “Vào năm 2003, nhận thấy nhu cầu việc làm của người khuyết tật là vô cùng thiết thực và khá bức thiết, với suy nghĩ họ có thể mang lại lợi ích cao cho xã hội từ nghề đan len.Vậy là tôi đã tiến hành khảo sát thực tế và kết quả là nghề đan ráp áo len phù hợp với sức khỏe của người khuyết tật. Trên cơ sở đó, tôi đã bàn với ông xã và quyết định thành lập cơ sở dạy nghề và sản xuất các sản phẩm len xuất khẩu Nắng Mai dành cho người khuyết tật. Bằng tình yêu thương dành cho người khuyết tật, ngày đầu thành lập, chị Trang cũng đã rất trăn trở vì điều kiện đi lại của chị em khó khăn, nên Công ty đã cố gắng tạo điều kiện tổ chức chỗ ăn ở miễn phí cho học viên, người lao động để tiện trong sinh hoạt và làm việc. Và rồi, cứ thế, công ty ngày càng có tiếng vang, sản phẩm làm ra đạt chất lượng, số người khuyết tật xin vào học và làm việc ngày một đông. Hiện công ty có hơn 100 lao động là người khuyết tật được nhận vào dạy nghề và tạo việc làm. Ngoài ra, Công ty còn tham gia dạy nghề và tạo việc làm cho hơn 100 lao động nông thôn tại các huyện Lâm Hà, Di Linh... Riêng năm 2009, Công ty cũng đã phối hợp với Hội LHPN tổ chức, xây dựng và hình thành mô hình dạy nghề đan len cho 30 chị em khuyết tật ở Đức Trọng, từ đây đã trở thành điểm đến của rất nhiều chị em khác muốn tham gia học và có việc làm ổn định, thuận lợi cho việc đi lại tại địa phương. Thời buổi kinh tế thị trường, Công ty Nắng Mai cũng phải cạnh tranh với rất nhiều đơn vị sản xuất áo len khác, nhưng đồng hành cùng người lao động, vị giám đốc nữ bằng sự năng động, linh hoạt trong điều hành, quản lý và sự mềm dẻo, khéo léo trong giao tiếp đã dành được kết quả cao trong kinh doanh. Sản phẩm đan len từ chất lượng đến giá thành sản phẩm đều hợp lý, phù hợp với người tiêu dùng nên từ năm 2005 đến nay, Nắng Mai đã luôn giữ được hợp đồng sản xuất gia công xuất khẩu ổn định và tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước, góp phần mang lại doanh thu cao cho đơn vị và tạo thu nhập ổn định cho công nhân khuyết tật của Công ty với mức bình quân từ 1,2 - 1,4 triệu đồng/tháng. Số tiền lương làm được tuy không lớn nhưng cũng đủ để bản thân người khuyết tật tự trang trải cho bản thân, và điều quan trọng hơn cả là tạo ra niềm vui, sự phấn khởi cho họ, giúp họ nhận ra mình vẫn là người có ích cho xã hội và gia đình, từ đó có nghị lực vươn lên trong cuộc sống, làm việc và cống hiến nhiều hơn cho xã hội.
Làm việc tại xưởng.
Làm việc tại xưởng.
Chị Nguyễn Thị Cẩm, công nhân Công ty Nắng Mai, cho biết: “Mong muốn lớn nhất của chị em chúng tôi là có được việc làm và thu nhập ổn định. Công ty Nắng Mai đã tạo điều kiện và giúp chúng tôi được điều đó, chúng tôi rất vui và mỗi ngày bây giờ đối với chúng tôi không còn quá dài nữa.” Đối với những người khuyết tật ở đây, thời gian giờ đã trở nên quý giá vì mỗi ngày với họ là một ngày vui vì những sản phẩm họ làm ra đang được mọi người đón nhận, niềm vui tcứ thế nhân nhân lên theo số lượng sản phẩm họ làm ra. “Cuộc sống của chị em khuyết tật chúng tôi lúc này càng trở nên có ý nghĩa hơn và giờ chỉ cầu mong giữ được sức khỏe ổn định để tiếp tục làm việc và cống hiến cho Công ty, cho xã hội để cho ra những sản phẩm đẹp nhất và chất lượng nhất” – chị Cẩm nói. Mong muốn xây dựng một làng nghề tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch ngay tại Đà Lạt là mơ ước, dự định và ý tưởng “đẹp” của vị nữ giám đốc công ty. Chị cho biết, dự án ra đời sẽ góp phần tạo việc làm cho hơn 100 lao động nữa là người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Đến nay, dự án đã được sự đồng thuận, tạo điều kiện của UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan. Nếu đẩy nhanh tiến độ, vào cuối năm 2010, dự án sẽ chính thức đi vào hoạt động với các lĩnh vực như: sản xuất và bán hàng thủ công đặc trưng của Đà Lạt, nhà hàng phục vụ ăn uống hướng tới sức khỏe và sự thân thiện với môi trường bằng việc chế biến và sử dụng nguyên liệu chủ yếu là rau - củ - quả sạch của Đà Lạt... Trong tương lai, làng nghề ngoài việc phục vụ du khách, còn trở thành điểm đến lý tưởng dành cho đông đảo người khuyết tật trong cả nước, là nơi tổ chức các buổi sinh hoạt, các sự kiện văn hóa dành cho người khuyết tật, tạo sân chơi bổ ích và có ý nghĩa cho đối tượng yếu thế này.
 
Hà Nguyệt

Đọc thêm