Nặng nghĩa mâm cơm kính Bác, mừng Tết Độc lập

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9,  người dân huyện Lệ Thủy sinh sống khắp mọi miền đất nước trở về cội nguồn sum họp để mừng Tết Độc lập và xem lễ hội đua thuyền. Theo thông lệ, sáng 2/9, hầu hết các gia đình đều làm mâm cơm giỗ Bác Hồ và mừng Tết Độc lập.
Về Lệ Thủy những ngày tháng 8 lịch sử, chúng tôi cảm nhận được không khí rộn ràng từ khắp các làng quê, trên các con đường rợp cờ bay, biểu ngữ. Dọc sông Kiến Giang, các đội thuyền bơi đang tập luyện hăng say chuẩn bị cho ngày hội lớn. Ở những nơi xa, con em huyện Lệ Thủy cũng đang náo nức trở về sum họp với gia đình, chuẩn bị mâm cơm giỗ Bác và mừng Tết Độc lập.
Theo các cụ cao niên ở huyện Lệ Thủy kể lại, việc tổ chức mâm cơm mừng Tết Độc lập của người dân nơi đây được hình thành sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Từ đó đến nay, cứ đến ngày Quốc khánh 2-9, nhiều người dân trong huyện chuẩn bị mâm cơm mừng Tết Độc lập, trở thành nét văn hóa đặc trưng của người dân xứ Lệ.
Ông Lê Gia Chung, 92 tuổi, xã Tân Thủy nhớ lại: “Mâm cơm mừng Tết Độc lập ngày đó rất đơn sơ, chỉ có cơm gạo trắng và trái cây trong vườn. Nếu gia đình nào có điều kiện thì có thêm gà, vịt, cá... Sau lễ cúng mừng độc lập, con cháu trong nhà sum vầy bên mâm cơm, trò chuyện và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất”.
Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng, người dân huyện Lệ Thủy đã lập bàn thờ Bác. Việc làm này từ đó đến nay trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống, thể hiện lòng biết ơn của nhân dân đối với công lao trời biển của Bác Hồ.   
Người dân huyện Lệ Thủy đang dâng hương lên Bác ngày Tết độc lập
Người dân huyện Lệ Thủy dâng hương lên Bác nhân ngày Tết Độc lập
Sáng 2/9 hàng năm là lúc các gia đình ở Lệ Thủy sum vầy bên nhau. Ông Đặng Đình Thuận, 77 tuổi (thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy) nói: “Năm nào cũng thế, cứ đến dịp Tết Độc lập là con cháu tôi ở khắp nơi về sum họp. Không ai bảo ai, các con cháu mỗi người một việc chuẩn bị mâm cơm cúng Bác. Đây cũng là dịp để tôi răn dạy con cháu  phấn đấu  học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác, ra sức học tập, cống hiến xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu đẹp.
Bốn năm nay, trên bàn thờ của gia đình tôi cũng như nhiều người dân Lệ Thủy còn có thêm ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bởi Đại tướng là người con ưu tú của huyện Lệ Thủy nói riêng và của cả dân tộc nói chung, là người học trò xuất sắc nhất của Bác, người Anh Cả  của quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng đã đi xa nhưng tấm lòng, tình cảm của Đại tướng dành cho nhân dân quê nhà vẫn sâu nặng, ân tình. Và người dân Lệ Thủy cũng khắc cốt ghi tâm công lao to lớn của Đại tướng".
Anh Nguyễn Việt Anh, một người dân ở thị trấn Kiến Giang tâm sự: “Làm mâm cơm cúng Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp Tết Độc lập là truyền thống của gia đình tôi bấy lâu nay. Đây cũng là cách để thế hệ trẻ như vợ chồng tôi tri ân hai người anh hùng lớn của dân tộc”.
Vợ chồng anh Việt Anh năm nào cũng chuẩn bị mâm cơm tươm tất dâng lên Bác và Đại tướng. Đây cũng là dịp cả gia đình anh quây quần bên nhau, rồi anh kể những câu chuyện thú vị về Bác, về Đại tướng cho các con nghe mà học theo. Nhờ vậy, tình yêu quê hương, Tổ quốc, lòng kính trọng Bác, Đại tướng luôn được hâm nóng trong từng thành viên của gia đình.
Ông Nguyễn Dương, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Việc duy trì mâm cơm cúng Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mừng Tết Độc lập chính là cách mà người dân huyện Lệ Thủy bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với công ơn trời biển của Đảng, Bác Hồ, Đại tướng cũng như tưởng nhớ các những anh hùng liệt sĩ. Đây là một trong những nét văn hóa tốt đẹp của địa phương,  cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân lưu giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau...".

Đọc thêm