Trước cánh cửa hẹp ở phòng Nhi sơ sinh (Khoa Nhi, Bệnh viện Đà Nẵng), những ánh mắt mỏi mòn đợi tin sẽ ánh lên niềm vui hoặc khắc khoải khi hay tin bé này được xuất viện, bé nọ sắp được ra với mẹ ở phòng kangaroo hay bé kia tiếp tục điều trị. Dù bác sĩ hay bà mẹ điều chúng ta cảm nhận được ở họ là niềm hy vọng không bao giờ tắt hướng về những mầm sống nhỏ nhoi.
|
Cử nhân điều dưỡng Hoàng Thị Thanh Tâm chăm sóc bé sơ sinh. |
Hầu hết những em bé nhập viện ở phòng Nhi sơ sinh (NSS) đều chưa có tên trong giấy khai sinh, bác sĩ ghi hồ sơ bệnh án của mỗi em bằng tên của bà mẹ hoặc tên của em mà người nhà sẽ gọi trong lễ đặt tên ngày đầy tháng. Ngày nhập viện của mỗi bé có thể là vài chục phút sau khi cất tiếng khóc chào đời hoặc nhiều nhất là đủ 28 ngày tuổi. Những bệnh nhi mỏng manh, yếu ớt, mang trong mình một hoặc nhiều bệnh, chỉ biết ăn, ngủ và khóc; không đòi hỏi, không phàn nàn, được các bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh... yêu thương hết mực.
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay
Nói làm sao cho hết những đau đớn mà các bé đã trải qua, khi vừa lọt lòng mẹ đã một thân một mình chống chọi với bệnh tật, được chích thuốc hằng ngày qua đường tiêm ven, nhiều bé phải lấy ven trên đầu vì không thể bắt ven được ở cánh tay, có bé phải thở máy hàng tháng trời và rất nhiều lần phải chụp phim, siêu âm... để bác sĩ có hướng điều trị tích cực. Và thương nhất là các bé phải xa vòng tay, hơi ấm của mẹ, nằm một mình một giường bệnh, không được nhận những cái hôn hay tiếng nói yêu thương của bố mẹ, ông bà và những người thân yêu khác.
Có bé, như bé Thủy đang điều trị tại phòng Kangaroo, khu NSS vĩnh viễn không bao giờ được ở trong vòng tay mẹ khi mẹ qua đời sau khi sinh Thủy được 13 ngày tuổi, bé được sinh khi vừa đủ 7 tháng tuổi, cân nặng 1,2kg. Sau một tuần nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt (phòng 1), bé Thủy được đưa sang phòng Kangaroo để người thân chăm sóc. Bà nội, bà ngoại và bố bé thay nhau bồng bế, cho bé ăn. Bà nội bé, bà Huỳnh Thị Lực, ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu đã 63 tuổi, mắt kém nên bà trầy trật mãi mới đút được cho bé ăn sữa bằng chiếc xi-lanh. Giọng bà nghẹn lại “nghĩ hồi xưa mình đẻ mấy đứa con có bị gì đâu, giờ nhìn cháu thấy cảnh éo le quá. Mấy bữa trước bé nằm ở phòng 1, dây nhợ đầy người, phải thở bằng máy, nhìn chỉ có chảy nước mắt mà thôi”.
Chị Nguyễn Thị Thảo, ở Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam sinh em bé khi bé mới được 6,5 tháng, cân nặng 1kg. Bé nằm điều trị ở phòng 1 hơn một tháng bị rớt xuống còn 0,7kg; nhưng sau 20 ngày được mẹ nuôi bằng phương pháp kangaroo, bé lên được 1,4kg. Chị Thảo ngồi cạnh con, luôn tay đổ sữa vào chiếc xi-lanh chuyền vào dạ dày bé, một tay rờ rẫm vào mặt, vào tay con gái, nước mắt ngân ngấn kể chuyện hai mẹ con.
Biết bao bà mẹ 9 tháng 10 ngày mang thai với biết bao yêu thương, hy vọng, đến khi con chào đời và trong 1 tháng tuổi đầu tiên, có bao nhiêu sự cố sức khỏe của bé không thể tiên đoán trước được như dị tật bẩm sinh, nhiễm khuẩn lúc sinh, các bệnh về tim, phổi... Khi nhập viện cho con, các bà mẹ luôn trong tâm trạng thấp thỏm, lo âu, căng thẳng. Có người sợ mình không nuôi được con, sợ chứng trào ngược dạ dày khi cho bé ăn, sợ bé bị ngộp thở khi ăn. Nỗi sợ hãi đó chỉ được lấn át khi có bác sĩ bên cạnh; còn khi được về nhà, nỗi sợ sẽ đi theo... Đó là tâm trạng rất thực của những người làm mẹ có con mang bệnh khi bé còn quá nhỏ. Làm sao mà đo đếm được những trạng thái tâm lý ấy, nên bác sĩ Đinh Thị Liệu cho rằng, khi có con điều trị ở phòng NSS đúng là “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”.
… Đã thành từ mẫu
|
Chị Nguyễn Thị Thảo trào nước mắt khi theo con nằm viện 2 tháng. |
Mỗi ca trực của 1 bác sĩ, 6 điều dưỡng và 1 hộ lý phòng NSS kéo dài 48 tiếng, nghỉ 24 tiếng và lặp lại chu kỳ như ban đầu.
Quy định cho phòng 35 giường bệnh nhưng trên thực tế bệnh nhi luôn lên đến 50, có khi là 70 giường. Chị Hoàng Thị Thanh Tâm, phụ trách điều dưỡng của phòng chỉ cho tôi hình dung công việc của các chị: Buổi sáng bắt đầu tắm, chích thuốc cho bé, cho ăn, thay tã, xem nhịp thở, màu da... từ bé này qua bé khác. Cứ 3 giờ, bé sẽ được ăn 1 lần, nhưng với những bé có nhu cầu thì thời gian cho bé bú sẽ rút xuống 2 giờ. Có bé ăn sữa bằng đường truyền nhưng có bé các chị phải tự tay cầm bình cho bú… Các chị vừa chăm sóc toàn diện thay thế một người mẹ (cho ăn, bú, tắm rửa, thay tã) vừa chăm sóc điều dưỡng (điều trị, chích thuốc, theo dõi em bé), vì thế sự thành công của phòng NSS, chủ yếu nhờ vào công tác điều dưỡng.
Nhiều bác sĩ và nhân viên điều dưỡng của phòng NSS gắn bó với phòng 20, 30 năm. Buổi ban đầu làm quen với công việc, với trẻ sơ sinh, các chị chưa có gia đình, chưa có con, phải học cách chăm sóc một em bé như con mình, điều đó quả là không dễ. Nên ở khoa Nhi có câu nói về các chị “Có cô còn trẻ, có bác chưa chồng mà đã thành từ mẫu lúc nào không hay”.
Cứu bệnh nhân đến giây cuối cùng
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Trang (sinh năm 1985), phụ trách Phòng Kangaroo của khu NSS cho biết phòng Kangaroo được triển khai từ năm 2008 đã cứu sống nhiều em bé cân nặng từ 0,8 - 2,5kg, dưới 37 tuần tuổi, là một phương pháp rất nhân bản, giảm tỷ lệ tử vong rất lớn. Đây được xem là cách “mang bầu giả” để trẻ tiếp tục được hưởng hơi ấm của mẹ cho đến khi đủ tháng. Phương pháp này giúp giảm tỷ lệ bại não, đột tử do trào ngược sữa; thính lực và thị lực trẻ cũng phát triển nhanh hơn trẻ nằm lồng kính... |
Nhờ sự hỗ trợ của tổ chức Save the Children, năm 2007, các y, bác sĩ của phòng NSS được đào tạo nâng cao tay nghề tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay phòng NSS đã triển khai điều trị nhiều bệnh khó cho bệnh nhi như phát hiện bệnh tim, mạch; đặt ven tim cho trẻ 20 ngày tuổi; điều trị bệnh màng trong (phổi), bệnh thoát vị cơ hoành; cứu sống nhiều trường hợp bệnh nhân suy thở, co giật, chảy máu dạ dày... Với những bé sinh thiếu tháng, phải thở máy, các bác sĩ đã nghiên cứu để lượng oxy đủ cho bé mà không ảnh hưởng đến bệnh võng mạc (rop). Và một phương pháp mà phòng NSS đã mạnh dạn triển khai - mà các bệnh viện lớn khác chưa làm - là cho bé ra nằm với mẹ và cho thở Cpap (phương pháp thở với áp lực dương liên tục, dùng để hỗ trợ cho bệnh nhân có suy hô hấp nhưng vẫn còn khả năng tự thở).
Bác sĩ Nguyễn Diệu Ngọc, Trưởng phòng NSS cho biết, trước năm 2007, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân nhi sơ sinh là 14 - 15%, đến nay chỉ còn khoảng 7%; trước đây tỷ lệ tử vong nhi hậu phẫu là 99%, hiện nay khi tham gia chăm sóc bệnh nhi hậu phẫu thì tỷ lệ được cứu sống đạt trên 90%. Những con số đó phản ánh sự nỗ lực rất lớn của y, bác sĩ phòng NSS và năm 2007 được bác sĩ Diệu Ngọc ví như một cuộc “cách mạng”. Tất cả nhân viên chịu nhiều áp lực về chuyên môn, thời gian làm việc, tư duy thay đổi để có được thành công của ngày hôm nay. Hơn 2 năm trời các y, bác sĩ phải 2 giờ chiều mới ăn trưa, 8 - 9 giờ tối mới ăn bữa tối, theo sát bệnh nhân từng giây từng phút và nỗ lực hết sức để cứu mạng sống các bé đến giây cuối cùng. Từ năm 2008, phòng cũng triển khai cho các bà mẹ vào chăm sóc, ở cạnh em bé từ 6 giờ chiều đến 5 giờ sáng, giúp cho bé có thêm nghị lực chiến thắng bệnh tật.
“Nhân viên phòng NSS đã tự bỏ thêm tiền đầu tư trang thiết bị, phòng hoàn toàn không có tiêu cực, tạo tâm lý tiếp xúc rất tốt với người nhà bệnh nhân”. Bác sĩ Diệu Ngọc nói với lòng tự hào.
Mỗi em bé ra đời là hạnh phúc của một gia đình, khi bé mắc bệnh được cứu chữa tận tâm, bởi mỗi bác sĩ, điều dưỡng ở đây đã, đang và sẽ là bà, là mẹ, họ không chỉ cứu em bé và chia sẻ với người mẹ bằng sự thông cảm nữa mà là sự thấu cảm.
Phóng sự của Hoàng Nhung