Nâng tầm diện mạo Vĩnh Phúc hướng tới đô thị loại I

(PLVN) - Với mong muốn xây dựng thành phố Vĩnh Phúc đạt chuẩn đô thị loại I trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua đã tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh công tác quy hoạch, ban hành nhiều cơ chế chính sách, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng đô thị.
Thành phố Vĩnh Phúc đang phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại I.
Thành phố Vĩnh Phúc đang phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại I.

Nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo Chương trình phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020 cơ bản được triển khai theo đúng kế hoạch với nhiều công trình, dự án đầu tư được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào sử dụng.

Nhiều công trình đang tiếp tục được triển khai xây dựng, tạo dấu ấn mới cho hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc những năm tiếp theo như: Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc; Dự án phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh), dự án Cầu Đầm Vạc; hay các dự án được xã hội hóa đầu tư như: Dự án cấp nước sạch Đức Bác, dự án nạo vét hồ Đầm Vạc, dự án cầu vượt đường sắt đường Nguyễn Tất Thành...

Hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố Vĩnh Phúc đạt chuẩn đô thị loại I, giai đoạn 2021-2025, Vĩnh Phúc sẽ tập trung triển khai và có kế hoạch cụ thể về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở cho thuê; mở rộng quy mô và loại hình sản phẩm đối với nhà ở cho công nhân.

Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo các tuyến tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh qua đô thị, các đường nội thị chính trong quy hoạch phát triển giao thông thuộc hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Vĩnh Phúc.

Trước mắt, Vĩnh Phúc sẽ tập trung xây dựng hệ thống giao thông theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội để phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế sẵn có của các khu vực theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Mở rộng đường Vành đai 2, nâng cấp và cải tạo một số đoạn Vành đai 3, triển khai giai đoạn 2 Vành đai 4 đoạn Hương Canh – Bình Dương và tiến hành xây dựng Vành đai 5 đường Tây Thiên – Sông Lô (đoạn QL.2C – Sông Lô).

Làm mới và đầu tư giai đoạn 2 một số tuyến đường nội thị chính; hạ tầng khung đô thị đại học. Đầu tư giai đoạn 2 các tuyến hạ tầng phục vụ phát triển du lịch danh thắng Tây Thiên, khu du lịch Bến Tắm. Xây mới hạ tầng giao thông phục vụ du lịch sinh thái văn hóa dân tộc; xây dựng đường kết nối trung tâm các huyện với các tuyến quốc lộ và trung tâm đô thị Vĩnh Phúc.

Xây dựng nút giao lập thể trên trục quốc lộ 2; xây dựng mới cảng nội địa ICD tại huyện Bình Xuyên, các bến xe trên trục vành đai. Đồng thời, triển khai xây dựng các đoạn còn lại của tuyến đường song song đường sắt Hà Nội – Lào Cai theo quy hoạch được duyệt, tuyến phía Bắc, đoạn từ quốc lộ 2C đến đường Hợp Thịnh – Đạo Tú; xây dựng tuyến đường trục giao thông và cảnh quan Bắc – Nam đô thị Vĩnh Phúc, cầu Vĩnh Phú..

Theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2016-2018, tỉnh đã huy động 56,7 nghìn tỷ đồng cho xây dựng cơ bản, chiếm khoảng 66% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh.

Giai đoạn 2017-2020, dự kiến nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản từ ngân sách tỉnh khoảng 30%, từ ngân sách Trung ương khoảng 3%, nguồn vốn ODA khoảng 7%, theo hình thức PPP khoảng 16% và từ nguồn doanh nghiệp khoảng 44%.

Trong đó, vốn đầu tư cho hệ thống giao thông và dự án hạ tầng sản xuất chiếm 34%, dự án hạ tầng xã hội chiếm 31% trên tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng của tỉnh giai đoạn 2017-2020./.

Đọc thêm