Nhằm bảo đảm cân đối quỹ hưu
“Từ ngày 1/1/2021, lao động nam đủ 60 tuổi, nữ 55 cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng làm việc cho đến khi nam đủ 62, nữ 60 tuổi sẽ nghỉ hưu”. Đây là một trong hai phương án được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đưa ra nhằm sửa đổi quy định hiện hành và đề xuất cho phép nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo lộ trình, từ năm 2021. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng có phương án giữ nguyên như hiện nay, nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
Theo dự thảo tờ trình của Bộ LĐ-TB&XH, hiện có nhiều ý kiến đề nghị không nên tăng tuổi nghỉ hưu vì người lao động không muốn kéo dài thời gian làm việc mà mong được nghỉ hưu ở độ tuổi hiện hành để hưởng lương hưu. Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng được cho không phù hợp với người lao động làm việc trong các ngành nghề lao động chân tay. Với cán bộ công chức, hành chính nhà nước dẫn đến tình trạng "tham quyền cố vị".
Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB&XH, việc đề xuất tăng tuổi hưu được cho là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn. Bởi, nếu tiếp tục giữ nguyên các quy định hiện nay về mức đóng - mức hưởng, thời gian đóng - thời gian hưởng thì sẽ mất cân đối quỹ.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng có tính toán cho thấy từ năm 2023, quỹ hưu trí và tử tuất sẽ rơi vào trạng thái thu trong năm không đủ bù chi, bắt đầu trích từ phần quỹ kết dư để chi trả; từ năm 2034, phần quỹ kết dư được chi trả hết dẫn đến nhà nước phải bố trí ngân sách để bù đắp.
Cụ thể, một nam giới có 30 năm đóng BHXH, về hưu ở tuổi 60 sẽ được hưởng lương hưu bằng 75% lương trung bình đã đóng BHXH. Trong 30 năm (360 tháng) tham gia BHXH, mỗi tháng đóng 22% tiền lương thì NLĐ đóng vào quỹ 79 tháng lương trung bình.
Số tiền này chỉ đủ chi trả trong 105 tháng lương hưu (hoặc 9 năm), nếu tính cả lãi suất đầu tư quỹ thì có thể trả đủ cho 12 năm lương hưu. Trong khi tuổi nghỉ hưu trung bình của lao động nam ở nước ta là 54,2, nữ 52,6, tuổi thọ trung bình của lao động nam 70,8 tuổi (16,6 năm hưởng lương hưu), nữ 76,1 tuổi (23,5 năm hưởng lương hưu). Muốn bảo đảm bền vững tài chính của quỹ, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu, chỉ có 2 cách: nâng mức đóng của người lao động và doanh nghiệp hoặc giảm mức hưởng lương hưu.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, nâng mức đóng là rất khó vì tăng gánh nặng tài chính của người lao động và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Giảm mức hưởng cũng dẫn đến khó bảo đảm cuộc sống của người hưởng lương hưu.
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng phương án được tính đến là đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu để cân bằng giữa thời gian đóng, mức đóng và thời gian hưởng, mức hưởng. Dự kiến. dự thảo này sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5/2019, biểu quyết vào kỳ họp tháng 10/2019.
Lao động chân tay không đồng tình
Trao đổi với báo chí, Viện trưởng Viện Công nhân, Công đoàn Vũ Quang Thọ nêu quan điểm: "Hai lần thất bại của Bộ LĐ-TB&XH là do đặt vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu thời điểm không hợp lý bởi liên quan nhiều vấn đề xã hội. Những người thích kéo dài tuổi đi làm theo tôi chủ yếu là chị em phụ nữ, các nhà lãnh đạo nên Bộ quyết tâm đưa ra thêm một lần nữa để phục vụ cho tầng lớp này. Còn công nhân lao động họ chỉ muốn rút ngắn thời gian làm việc, với lao động nữ chỉ cần 45 tuổi, quá hơn thì 50 tuổi chứ không cần nhiều, lao động nam cũng 55-58 tuổi là cùng, không cần 60 tuổi. Khảo sát của Viện tôi đối với 4.000 công nhân lao động thì có 30% muốn nghỉ sớm. Đặc biệt là công nhân ngành dệt may, chế biến thủy sản, làm đường giao thông đều mong muốn nghỉ sớm vì rất vất vả, 10 người thì 9 người muốn nghỉ sớm.
Lần này, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra điểm mới là tăng theo lộ trình, nhưng ông Thọ nghĩ vẫn không hợp lý, nên giữ mức cũ.
“Rõ nhất là nhìn vào cung cầu thị trường lao động, chúng ta đang có nguồn nhân lực khá dồi dào đang dư thừa, hiện nay cung lao động đang nhiều hơn cầu lao động nên phải tính toán khi tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có bao nhiêu người thất nghiệp, làm sao thu hút được lao động trẻ sáng tạo. Trong khi, những người muốn làm thêm là làm trong lĩnh vực nghiên cứu, quản lý lãnh đạo, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, lương cao, bổng lộc nhiều” – ông Thọ phân tích.
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri - Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý cho rằng: "Việc tăng tuổi nghỉ hưu theo tôi cần phải làm theo từng nhóm đối tượng lao động. Theo đó, vẫn nên giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu đối với bộ phận lao động công việc nặng nhọc độc hại (nữ 50 và nam 55 tuổi). Việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể triển khai trước đối với khối hành chính, sự nghiệp; còn những lao động trực tiếp sản xuất sẽ là nhóm đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu sau cùng".
Cũng theo ông Tri, với nền kinh tế trí thức sau này phát triển công nghiệp thì kéo dài tuổi nghỉ hưu của lao động trực tiếp là khó khăn. Nhưng ở Việt Nam lao động trực tiếp chiếm tỷ lệ khá lớn, đó là điểm mấu chốt có thể chỉ ra thời điểm này là chưa hợp lý để giải quyết.
Còn tại Hội nghị ngành LĐ-TB&XH diễn ra ngày 17/1 vừa qua, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp giải thích một số cơ sở về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.
Cụ thể, thứ nhất, tuổi nghỉ hưu hiện hành đã thực hiện đến nay khoảng 50 năm mà chưa từng điều chỉnh lần nào. Thứ hai là trên thế giới, các nước đều theo xu hướng nâng dần tuổi nghỉ hưu. Nhiều nước đã thực hiện tuổi nghỉ hưu hiện nay là 65 – 67 tuổi. Thứ ba, chúng ta đều mong muốn thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ. Đây là một trong những nội dung của Công ước CEDAW về chống phân biệt đối xử về giới. Thứ tư, rất nhiều tính toán, khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, của Ngân hàng Thế giới kiến nghị với Việt Nam để bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội.
Ông Diệp cho biết, việc điều chỉnh lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu có nhiều phương án. Phương án hiện được đưa ra trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi là mỗi năm tăng 6 tháng, đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Về lâu dài sẽ nâng đến tuổi 65. Còn phương án nữa là mỗi 1 năm nâng dần tuổi nghỉ hưu của nam và nữ 3 tháng với lý do nếu điều chỉnh tốc độ nhanh quá có thể có những cú sốc cho thị trường lao động. Cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đang là cao nhất và hàng năm lại có thêm lực lượng tham gia vào thị trường lao động.
“Nhưng chúng ta cũng phải nhìn vào bối cảnh dân số Việt Nam đang già hóa. Trước đây, mỗi năm tăng thêm 1,5 – 1,7 triệu người tham gia vào thị trường lao động, còn hiện nay con số này chỉ dao động 800 – 900 nghìn và trong tương lai với tốc độ già hóa dân số thì khi Việt Nam có cơ cấu dân số già, số người ra khỏi độ tuổi lao động so với số người bước vào độ tuổi lao động sẽ mất cân bằng. Vì vậy, điều chỉnh lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu là điều chỉnh lâu dài, chứ không phải điều chỉnh ngay lập tức. Trên cơ sở đó, trong Bộ luật Lao động sửa đổi, chúng tôi đang đề xuất nâng dần độ tuổi nghỉ hưu” – ông Diệp nói.