Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết sẽ họp khẩn trong ngày 26/6 để thảo luận về cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Syria đã bắn hạ một máy bay chiến đấu của nước này trong không phận quốc tế chứ không phải bên trong lãnh thổ Syria như tuyên bố của Damascus.
|
Người phát ngôn NATO Oana Lungescu. Ảnh: AFP |
NATO cho biết, cuộc họp được tiến hành sau khi Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu tham vấn theo quy định tại Điều 4 của Hiến chương NATO. “Theo Điều 4, một thành viên của NATO có thể yêu cầu các đồng minh thảo luận khi một thành viên bất kỳ cho rằng sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh của họ bị đe dọa. Hội đồng Bắc Đại Tây Dương - cơ quan bao gồm các Đại sứ của 28 nước thuộc NATO - sẽ quyết định cách thức phản ứng” – bà Oana Lungescu, Người phát ngôn của NATO nói.
Thổ Nhĩ Kỳ đã thừa nhận rằng máy bay của họ tại một số thời điểm đã đi vào không phận Syria nhưng sau tuyên bố cẩn trọng ban đầu, Ankara ngày 24/6 đã tỏ ra cứng rắn hơn. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói rằng, tại thời điểm bị bắn hạ, máy bay của họ đã ở không phận quốc tế, cách Syria 13 hải lý. Ông Davutoglu cũng nói thêm rằng, Syria đã không đưa ra cảnh báo nào trước khi khai hỏa. Chiếc máy bay này đem theo một hệ thống kiểm tra ra-da và cả 2 phi công hiện vẫn mất tích.
“Syria biết rõ rằng đó là một máy bay quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và bản chất nhiệm vụ của nó. Chúng tôi sẽ đưa vấn đề này ra trước công luận và luật pháp quốc tế bằng danh dự của Thổ Nhĩ Kỳ” – ông Davutoglu nói. Nội các Thổ Nhĩ Kỳ họp trong ngày 25/6 trước khi vấn đề với Syria được đưa ra thảo luận với các thành viên NATO. Syria trong khi đó khẳng định đã bắn hạ một máy bay phản lực F4 sau khi nó xâm phạm không phận của nước này, nhưng cho biết sau đó mới xác định được đó là máy bay phản lực của Thổ Nhĩ Kỳ.
Các thành viên NATO đã lên án mạnh mẽ hành động của Syria. Ngoại trưởng Anh William Hague nói rằng chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cần phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng cho rằng việc bắn hạ máy bay là “một hành động vô liêm sỉ và không thể chấp nhận được” và cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ điều tra về vụ việc.
“Hành động đó phản ánh việc chính quyền Syria coi thường thông lệ quốc tế, mạng sống con người, hòa bình và an ninh” – bà Hillary Clinton trong một tuyên bố khẳng định. Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, NATO sẽ không thực hiện hành động quân sự đối với Syria, ngay cả khi họ thừa nhận rằng máy bay Thổ Nhĩ Kỳ không mang theo vũ khí và bị bắn trong không phận quốc tế.
Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria – hai đồng minh một thời - đã xấu đi kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad hồi tháng 3/2011. Căng thẳng tiếp tục lên cao bằng việc bắn hạ máy bay F4 hồi tuần trước và có nguy cơ gây bùng nổ chiến tranh trong khu vực. Giữa lúc này, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, một số nhân vật quân sự cấp cao của Syria - gồm một tướngâihi đại tá và khoảng 30 binh sỹ khác - đã đào thoát sang Thổ Nhĩ Kỳ tối 24/6.
Tuệ Minh (theo AFP)