Nên bầu Hòa giải viên để bảo đảm dân chủ

Hôm qua (13/12), cho ý kiến vào Dự án Luật Hòa giải ở cơ sở, đa số các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với đề nghị của Ủy ban về các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến cho rằng nên mở rộng phạm vi hòa giải và thu hẹp các phương án về bầu, lựa chọn hòa giải viên.

Hôm qua (13/12), cho ý kiến vào Dự án Luật Hòa giải ở cơ sở, đa số các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với đề nghị của Ủy ban về các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến cho rằng nên mở rộng phạm vi hòa giải và thu hẹp các phương án về bầu, lựa chọn hòa giải viên.

Trao giải cho các đội đoạt giải tại Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Hòa Bình 2012

Đề nghị mở rộng phạm vi hòa giải

Báo cáo xin ý kiến UBTVQH về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định về phạm vi hòa giải ở cơ sở theo hướng loại trừ, theo đó chỉ quy định những vụ, việc không được hòa giải ở cơ sở…

Thường trực Ủy ban cũng cho rằng phương án này là hợp lý, vì thực tế các vụ, việc hòa giải ở cơ sở rất đa dạng, linh hoạt, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến đời sống hàng ngày của nhân dân, của từng cá nhân, gia đình và cộng đồng, nếu liệt kê các vụ, việc được hòa giải sẽ khó bao quát được hết các vấn đề phát sinh cần được hòa giải tại cơ sở.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, phương án quy định những việc hòa giải được và không được làm nhận được nhiều sự đồng tình của ủy viên UBTVQH.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý băn khoăn về quy định hòa giải được tiến hành trong trường hợp hành vi vi phạm pháp luật hình sự mà người bị hại không yêu cầu hoặc đã rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng không khởi tố hoặc đã đình chỉ vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.

“Có những hành vi cơ quan điều tra khởi tố theo yêu cầu của bị hại, nhưng nhiều vụ bị hại rút yêu cầu rồi nhưng vẫn khởi tố” ông Lý nói và đề nghị cần quy định cụ thể hơn về vấn đề này để tránh mâu thuẫn với các quy định khác.

 Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội KSor Phước và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cũng tỏ ra lo ngại trước thực tế hiện nay rất nhiều vụ phạm pháp hình sự xảy ra nhưng lại không cho hòa giải vào cuộc. “Đành rằng những vụ xô xát, đánh người đã xảy ra rồi thì bị xem xét xử lý hình sự nhưng trong thời gian đó, hòa giải vẫn nên xuất hiện để làm dịu tình hình, ngăn chặn những việc không hay xảy ra tiếp theo”, ông Hiện nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhận định: “Ngay cả khi tòa án xử rồi vẫn cần hòa giải để thực thi kết luận của Tòa. Hòa giải lâu nay cũng thành công nhiều loại việc như thế. Nên chăng hễ có hành vi là được hòa giải để tránh những hậu quả đáng tiếc”.

Bầu sẽ “danh chính, ngôn thuận”

Vấn đề bầu hay lựa chọn hòa giải viên, Ủy ban về các vấn đề xã hội đề xuất 3 phương án, tuy nhiên, hầu hết các ý kiến đều cho rằng nên thực hiện cơ chế bầu (như hiện nay).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ quan điểm: chỉ nên có một phương án là bầu. “Làm như quy định là chặt chẽ rồi. Đưa ra bầu, quá bán là UBND xã đồng ý, công nhận. Dân chủ ngày càng mở rộng, mà hòa giải viên chỉ định thì cũng không nên”, Chủ tịch nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng tán thành “hòa giải viên do chính người dân ở cộng đồng bầu ra, được chính quyền xã công nhận để có địa vị pháp lý làm việc với dân”.

Nhiều ý kiến trong UBTVQH cũng nhất trí với quan điểm này, tuy nhiên, đề nghị cần đơn giản hóa quy trình, thủ tục bầu hòa giải viên. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBTWMTTQVN Nguyễn Văn Pha thì có thể để hai phương án, những nơi có điều kiện hỗ trợ kinh phí thì bầu, nơi khó khăn thì lựa chọn cũng được.

Riêng về vấn đề kinh phí cho hoạt động hòa giải, theo gợi ý của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì Nhà nước nên hỗ trợ kinh phí và giao cho HĐND quyết định, tùy điều kiện ngân sách địa phương. Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì “kinh phí cho hoạt động hòa giải không lớn, ta nên ủng hộ phương án kế thừa quy định hiện hành và quy định cụ thể việc gì phải chi”.

Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: “Vấn đề kinh phí phải được ghi thành nguyên tắc trong luật. Còn điều hành ngân sách Chính phủ sẽ có trách nhiệm, trong đó có đề cao vai trò quyết nghị của HĐND các cấp”.

Dự án Luật Hòa giải cơ sở dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tới đây.

Bình An

Đọc thêm