Thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội ngày 9/6, bà Tâm cho rằng nên tổng kết Luật Thủ đô.
Luật Thủ đô ban hành năm 2012, đến nay đã tác động tích cực đến sự thay đổi, phát triển của Hà Nội, song bên cạnh những điểm còn phù hợp thì cũng còn những điểm cần xem xét, sửa đổi.
Nếu chuẩn bị đánh giá, tổng kết sửa đổi cơ bản Luật Thủ đô thì sẽ có văn bản có tính pháp lý cao hơn để thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô xứng tầm là trung tâm chính trị, văn hóa… của cả nước.
Tuy nhiên, trước mắt, bà Tâm nhất trí cần thiết có Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù cho Hà Nội.
Đi sâu vào một số nội dung cụ thể, bà Tâm phân tích: Những chính sách trong dự thảo Nghị quyết đối với Hà Nội không có gì mới vì Quốc hội từng có quyết sách như vậy đối với TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, ở đây cần lưu ý, từ thực tiễn triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội ở TP Hồ Chí Minh, đó là tính khả thi của một số cơ chế đặc thù như vấn đề cổ phần hóa hay vấn đề được hưởng 50% tiền sử dụng đất, chuyển hàng loạt trụ sở của các bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn TP…
Từ đó, bà Tâm đề xuất, việc đầu tư đối với Thủ đô Hà Nội không phải chỉ là sử dụng nguồn lực ngân sách của TP, mà còn cần được đầu tư bởi ngân sách Trung ương, sự phối hợp đầu tư của các bộ, ngành theo quy hoạch nhất định để cùng phát triển Thủ đô Hà Nội.
“Là một người dân ở địa phương khác nhìn về Thủ đô - trái tim của cả nước với một sự tin yêu, kính trọng, cả nước cùng hướng về Thủ đô Hà Nội, nên tôi mong muốn Hà Nội phát triển toàn diện”, bà Tâm nhấn mạnh và khẳng định không tham vọng Hà Nội phải là một địa phương tăng trưởng kinh tế cao, đóng góp ngân sách lớn cho cả nước.
Theo bà, Hà Nội cần được đầu tư tương xứng để có bộ mặt văn hóa xứng tầm với vai trò là Thủ đô của cả nước và nâng tầm giáo dục, đào tạo để rèn dạy con người Hà Nội thanh lịch, tạo ra “chất” đặc trưng của người Hà Nội, có tính tiêu biểu.
Đối với vai trò của Thủ đô, bà Tâm tán thành cần có cơ chế để Hà Nội hỗ trợ các địa phương nhưng phải có khống chế nhất định. Bởi nếu không sẽ mâu thuẫn giữa việc Hà Nội còn khó khăn song vẫn đi hỗ trợ các địa phương khác, làm sao để hài hòa, không bó buộc cũng như không mở toang.
Đặc biệt, qua cân đối nguồn lực, cần mạnh dạn cho Hà Nội được thực sự tự chủ về tài chính, yêu cầu mỗi năm thí điểm thì Hà Nội nộp về cho ngân sách Trung ương một số tiền nào đó.
Trường hợp nền kinh tế “lớn” thêm bao nhiêu thì Hà Nội đóng nhiều thêm bấy nhiêu. Số thu được còn lại để cho Hà Nội tự chủ quyết định để đầu tư phát triển, bảo đảm vai trò, phát triển Hà Nội tương xứng tầm vóc của Thủ đô.