Nên quản lý ‘nhẹ tay hơn’ với dịch vụ OTT viễn thông

(PLVN) - Tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu liên quan đến dịch vụ OTT viễn thông tại phiên họp sáng 22/6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ cân nhắc giảm nhẹ các điều kiện kinh doanh từ cấp phép đăng ký xuống hình thức thông báo.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 22/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)

Theo tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi dự án Luật Viễn thông lần này sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung đối với 3 loại dịch vụ mới, trong đó có dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet gọi tắt là OTT viễn thông.

Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) bày tỏ sự đồng tình với việc mở rộng này nhằm điều chỉnh, quản lý kịp thời các dịch vụ ứng dụng mới xuất hiện hoạt động trên nền tảng Internet mà không sử dụng tài nguyên số phụ thuộc vào kết nối viễn thông. Mặt khác, các dịch vụ mới này được sử dụng phổ biến nhưng hiện chưa được điều chỉnh đầy đủ bởi các luật hiện hành và cần phải có chế tài quản lý để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ an toàn, an ninh.

Tuy nhiên, theo Đại biểu Thắng, cần tính toán thật hợp lý vì nếu quản lý chặt chẽ quá sẽ ảnh hưởng đến việc khuyến khích dịch vụ mới phát triển và đổi mới sáng tạo. Vì vậy, Đại biểu đề nghị, cân nhắc quản lý ở mức độ phù hợp như quản lý thế nào khi dịch vụ này có tính xuyên biên giới, với hình thức nào để không ảnh hưởng đến vấn đề đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài do phải thực hiện các cam kết hoặc vấn đề về đảm bảo an ninh, an toàn thông tin để tạo môi trường thuận lợi cho các dịch vụ này phát triển và khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Đại biểu cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo thêm kinh nghiệm, đặc biệt ở các nước có nét tương đồng với Việt Nam để làm rõ, hoàn thiện các quy định này, nhằm đảm bảo tính khả thi cũng như đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu liên quan đến dịch vụ OTT viễn thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là dịch vụ nhắn tin thoại giống như dịch vụ viễn thông cơ bản nhưng được cung cấp bởi công nghệ Internet. Quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông là quản lý dịch vụ không phụ thuộc vào công nghệ, nhưng dịch vụ OTT viễn thông thì không có hạ tầng, người dùng dễ thay đổi nhà cung cấp, do thủ tục đăng ký dịch vụ đơn giản, thị trường thì rất cạnh tranh vì nhiều nhà cung cấp, do vậy quản lý phải ít hơn, phải mềm hơn dịch vụ viễn thông truyền thống. Quản lý có giống như dịch vụ viễn thông cũng chủ yếu ở khía cạnh liên quan đến lợi ích công cộng.

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng, cơ bản là quản lý cần mềm hơn, "nhẹ tay hơn", không phát sinh thêm nhiều chi phí tuân thủ cho nhà cung cấp dịch vụ. Bộ Thông tin và Truyền thông xin được báo cáo Chính phủ nghiên cứu tiếp thu theo các hướng sau: Quản lý ở mức tối thiểu nhưng xử phạt thì nghiêm minh. Quản lý cơ bản dựa trên những gì mà nhà cung ứng dịch vụ đã có để tránh phát sinh thêm chi phí tuân thủ. Quản lý sẽ không phân biệt nhà cung cấp dịch vụ lớn hay nhỏ, thu tiền hay không thu tiền, trong nước hay ngoài nước, vì quản lý đã ở mức tối thiểu thì không cần phân biệt. Yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải minh bạch thông tin đối với khách hàng về giá, về điều kiện hợp đồng, về chất lượng dịch vụ nếu có. Yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ bảo mật thông tin của khách hàng, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra khi có yêu cầu, khách hàng khi đăng ký sử dụng dịch vụ thì phải cung cấp thông tin như số điện thoại. Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ đã thực hiện việc đăng ký và xác thực thông qua số điện thoại. Do vậy, quy định này không làm phát sinh thêm chi phí.

“Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ báo cáo Chính phủ cân nhắc giảm nhẹ các điều kiện kinh doanh từ cấp phép đăng ký xuống hình thức thông báo”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Đọc thêm