Nên quy định lệ phí khi nộp đơn giám đốc thẩm, tái thẩm?

Nhiều ý kiến cho rằng để hạn chế tình trạng “bội thực” đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì cần quy định khi nộp đơn phải nộp lệ phí…

Nhiều ý kiến cho rằng để hạn chế tình trạng “bội thực” đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì cần quy định khi nộp đơn phải nộp lệ phí…

Số lượng đơn quá lớn

Báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của ngành Tòa án cho biết,Tòa án các cấp đã giải quyết 45.772/50.138 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bằng 91%.

Với việc áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ như đổi mới quy trình tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn; tăng cường cán bộ cho các Tòa chuyên trách TANDTC; động viên cán bộ, công chức làm thêm giờ, ngày nghỉ, thành lập Tổ công tác đặc biệt hoặc các Tổ thẩm phán giúp Chánh án trong giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm tái thẩm; tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết án… do đó công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Nhiều vụ việc bức xúc, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người; chất lượng giải quyết đơn cũng vì thế được nâng lên, đã hạn chế thấp nhất các trường hợp trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị để giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm.

Tuy đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm tái thẩm nhưng theo TANDTC “do số lượng đơn thư đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm quá lớn nên số đơn chưa được giải quyết vẫn còn nhiều”.  Hiện tượng “quá tải” đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thực ra là vấn đề không mới nhưng hết sức nan giải và đã kéo dài nhiều năm.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trong công tác giải quyết đơn thư giám đốc thẩm, tái thẩm đó chính là tình trạng “án quay vòng”. Đối với nhiều vụ việc, khi đã bị kháng nghị, xử hủy, giao lại hồ sơ xử lại từ đầu thì Tòa án cấp sơ thẩm khi xử lại vẫn tiếp tục “dẫm lên vết xe đổ”, do đó, sai vẫn hoàn sai và khi án lên trên lại tiếp tục bị kháng nghị, hủy án.

Nói về tình trạng này, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã từng thừa nhận trên diễn đàn Quốc hội, “chúng ta có cả một cơ chế khi thấy bản án có những căn cứ vi phạm pháp luật, Chánh án hoặc Viện trưởng kháng nghị thì Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao sẽ xét xử lại theo thẩm quyền và sau đó sẽ ban hành quyết định giám đốc. Nhưng cũng có một số trường hợp Tòa án cấp dưới xét xử lại nhưng không tuân theo đường lối của giám đốc và xét xử lại có khi lại trở lại như bản án đã bị kháng nghị. Đây là một vấn đề lớn trong tố tụng liên quan đến việc quy định của pháp luật. Chúng tôi cũng đã kiến nghị với Quốc hội trong việc sửa đổi Hiến pháp và sắp tới đây sẽ đưa vào sửa đổi các luật là các điều quy định tòa án cấp dưới có nghĩa vụ phải tuân theo đường lối xét xử của Hội đồng thẩm phán TANDTC”.

TANDTC cũng cho biết, hiện nay, TANDTC đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án Cơ chế giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tại TANDTC; nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định liên quan tới công tác giám đốc thẩm, tái thẩm trong quá trình sửa đổi các luật tố tụng, trước mắt phối hợp với VKSNDTC đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn một số quy định về thủ tục giám đốc thẩm.

Đơn không được chấp nhận thì phải nộp lệ phí

Lâu dài là hoàn thiện thể chế, còn trước mắt, theo bà Lương Ngọc Trâm, cơ quan thường trực TANDTC tại phía Nam thì một trong những nguyên nhân khiến giám đốc thẩm từ một “thủ tục đặc biệt” bị “biến” thành một cấp xét xử độc lập, với số lượng đơn thư khiếu nại quá nhiều là do chưa có quy định về lệ phí giám đốc thẩm. Theo bà Trâm, cần quy định về vấn đề này, trong trường hợp đơn khiếu nại được chấp nhận giám đốc thẩm thì được trả lại khoản lệ phí đã nộp, còn nếu khiếu nại không có căn cứ thì phải nộp.

Thạc sỹ Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TANDTC tán thành nên quy định chỉ những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng mới có quyền làm đơn đề nghị giám đốc thẩm, đồng thời phải nộp lệ phí giám đốc thẩm; nếu đơn đề nghị không được chấp nhận thì người làm đơn phải nộp án phí giám đốc thẩm.

Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu, Đoàn Luật sư Hà Nội thì quy định lệ phí khiếu nại “chưa hẳn là giải pháp tốt” để hạn chế được tình trạng “quá tải” đơn thư giám đốc thẩm, tái thẩm. Vì khi người dân bức xúc, họ có thể bỏ ra số tiền vài trăm ngàn để khiếu nại mà không cảm thấy “có vấn đề gì”. Quan trọng hơn cả, theo Luật sư Châu cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, ngành Tòa án cần nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo các bản án được ban hành có chất lượng; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật để tránh tâm lý người dân cứ đâm đơn khiếu nại như một sự “cầu may”.

Bình An

Đọc thêm