Nền tảng mạng xuyên biên giới kinh doanh tại Việt Nam: Nhiều vi phạm, gian nan hành trình thu thuế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều nền tảng mạng xã hội hoạt động tại Việt Nam thu tiền quảng cáo “khủng”, nhưng có nhiều vi phạm trong quá trình hoạt động, đồng thời mức thuế cũng chưa tương xứng với doanh thu.
Nhiều nhà mạng xuyên biên giới dung túng cho người dùng gây ra những hành vi sai trái. (Ảnh minh họa)
Nhiều nhà mạng xuyên biên giới dung túng cho người dùng gây ra những hành vi sai trái. (Ảnh minh họa)

Nhiều sai phạm trong những năm qua

Trong nhiều năm qua, hàng loạt mạng xã hội đã xuất hiện ở Việt Nam, trở nên quen thuộc, thậm chí “không thể thiếu” trong đời sống của một bộ phận người Việt.

Không thể phủ nhận, các nền tảng mạng đã đem lại những công cụ cực kì hữu ích để kết nối giữa người và người, giúp truyền tải thông tin nhanh chóng và tạo ra những kênh giải trí đa dạng, đặc sắc.

Nhưng cùng với đó là nhiều mặt trái mà cả xã hội đang phải chịu hệ lụy thời gian qua. Trong đó, rất nhiều trách nhiệm thuộc về những đơn vị chủ quản mạng xã hội. Tuy là chủ thể quản lý người dùng mạng, nhưng vì lợi nhuận, các đơn vị này đã lơi lỏng quản lý, thậm chí dung túng cho người dùng “làm bậy”. Một điều có thể nhận thấy là trong hoạt động quảng cáo, việc sử dụng bộ lọc vi phạm của nhiều mạng xã hội lớn như Google, Facebook... hiện nay chưa đủ đảm bảo an toàn, do bộ lọc quảng cáo vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới còn sơ sài, lỏng lẻo.

Các nền tảng không chủ động cập nhật tài khoản có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật. Thậm chí nhiều tài khoản đã bị báo vi phạm, tác hại xấu đến cộng đồng vẫn được cho bật kiếm tiền gắn quảng cáo.

Tại buổi hội nghị do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức với các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ quảng cáo; DN có sản phẩm, dịch vụ quảng cáo; các đơn vị kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới bàn giải pháp quản lý quảng cáo trên không gian mạng mới đây, những vấn đề này đã được đem ra mổ xẻ chi tiết.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm nhận định, quảng cáo trên môi trường mạng đang trở thành xu thế tất yếu được các doanh nghiệp trong và ngoài nước lựa chọn. Đặc biệt, các nền tảng xuyên biên giới có lợi thế nhất định do họ có công nghệ hiện đại, lượng người dùng lớn, có nhiều dữ liệu về hành vi người dùng phục vụ bán quảng cáo hiệu quả… Tuy nhiên, các nền tảng này tồn tại nhiều nội dung quảng cáo “bẩn” thu hút được rất người xem dẫn đến nhiều hệ lụy.

Về điều này, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT-TT cho biết, việc cấm quảng cáo trên các trang có nội dung xấu độc đã được quy định tại Nghị định 70 ban hành tháng 7/2021, bổ sung một số điều chỉnh của Nghị định 181 về việc thi hành Luật Quảng cáo. Cụ thể, không được đặt quảng cáo vào nội dung xấu độc, chống phá Nhà nước, vi phạm bản quyền; người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, phát hành quảng cáo không hợp tác phát hành quảng cáo với các trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật được Bộ TT-TT công bố; phải nộp báo cáo về Bộ theo định kỳ hoặc đột xuất.

Theo ông Lê Quang Tự Do, các nền tảng như Facebook, Google đang hiển thị quảng cáo trên nhiều nội dung vi phạm mà không có biện pháp quản lý. TikTok, YouTube dễ dãi cho người làm nội dung kiếm tiền, không quan tâm nội dung có phù hợp hay phản cảm không. Các mạng này vẫn còn nhiều nội dung vi phạm, đã bị nhắc nhở nhưng khắc phục hậu quả chậm, nhất là Facebook.

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 70, vi phạm trong hoạt động quảng cáo vẫn tràn lan, thương hiệu Việt Nam bị gắn vào nội dung chống phá Đảng và Nhà nước, sai sự thật; khiêu dâm, trái với thuần phong mỹ tục; giật gân, “câu view”, vi phạm bản quyền…

Theo ông Lê Quang Tự Do, số lượng doanh nghiệp đăng ký còn rất ít, tính đến nay, mới có 9 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài đăng ký với Bộ TT-TT. Nhiều nhà kinh doanh quảng cáo lớn như META, AMAZON, LINKEDIN, Trade Desk, SilverPush, AdColony, Adskeeper, Taboola… chưa đăng ký.

Gian nan thu thuế mạng xã hội tại Việt Nam

Một vấn đề nữa cần nói đến là nhiều năm qua các mạng xã hội thu được lợi ích nhiều từ những hoạt động kinh doanh, quảng cáo và các nguồn thu khác tại Việt Nam, nhưng câu chuyện nộp thuế chỉ mới được thực hiện trong thời gian gần đây.

Điều này không chỉ gây tác động xấu đến môi trường mạng trong nước, khiến Nhà nước bị thất thu, đồng thời còn là sự bất công đối với các DN đang hoạt động trên môi trường mạng và thực hiện quảng cáo trên mạng trong nước hiện nay.

Những năm qua, vấn đề thu thuế các mạng xã hội xuyên biên giới đều là vấn đề làm “đau đầu” cơ quan quản lý thuế trong nước. Lý do là vì các mạng xã hội như Google, Facebook… đều đặt máy chủ ở nước ngoài. Các nhà mạng này luôn khuyến khích cá nhân đăng tải thông tin và nếu có lượt xem cao sẽ được họ trả tiền. Song song đó, các nhà mạng này lồng ghép quảng cáo vào các bản tin để thu phí dịch vụ. Thế nhưng, thông qua việc phối hợp thông tin với một số ngân hàng, cơ quan thuế chỉ biết được số tiền mà chủ mạng xã hội đã chi trả cho các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế tính thuế thu nhập đối với các đơn vị, cá nhân có thu nhập từ mạng xã hội. Còn các tổ chức, cá nhân Việt Nam thanh toán tiền quảng cáo cho chủ mạng xã hội là bao nhiêu và đã khấu trừ thuế nhà thầu hay chưa thì cơ quan thuế chưa xác minh được.

Đáng ra, các nhà mạng như Google, Facebook, Tiktok... có thu nhập tại Việt Nam thì phải đặt máy chủ tại Việt Nam để cơ quan quản lý Nhà nước giám sát dòng tiền ra vào, đồng thời hai nhà mạng xã hội này kê khai và tự nộp thuế. Thế nhưng những năm trước đây, hầu hết các mạng xã hội đều lơ là, thiếu tự nguyện với việc này.

Chính vì thế, những năm qua, các cơ quan quản lý trong nước đã có những nghiên cứu, đưa ra các đề xuất nhằm “đưa” các đơn vị mạng xuyên biên giới vào khuôn khổ, siết chặt nguồn đóng thuế.

Từ tháng 3/2022, Bộ Tài chính chính thức đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi, bình đẳng, minh bạch trong đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế theo xu hướng quản lý thuế quốc tế.

Theo đó, nhà cung cấp nước ngoài chỉ cần truy cập vào địa chỉ http://etaxvn.gdt.gov.vn để nộp thuế cho doanh thu phát sinh ở Việt Nam dù không hiện diện ở Việt Nam.

Với phương thức thu thuế này, Việt Nam đã trở thành 1 trong 4 quốc gia đầu tiên ở khu vực ASEAN khẳng định chủ quyền đánh thuế của quốc gia đối với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới ở nước ta.

Đặc biệt, từ khi triển khai cho đến nay, biện pháp này đã phát huy những hiệu quả tích cực. Sau khi được cơ quan thuế tích cực vận động, đến nay đã có 39 nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đăng ký kê khai và nộp thuế trên cổng thông tin này. Trong đó, có 6 nhà cung cấp nước ngoài chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam như Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple. Ngoài ra còn có các doanh nghiệp lớn khác như Spotify, LinkedIn, ebay, Klook… đều đã thực hiện kê khai thuế.

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, các nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai và nộp thuế qua Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài với tổng số thuế đã khai, nộp đạt trên 1.200 tỷ đồng.

Đây là một tín hiệu đáng mừng cho công tác thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài tại Việt Nam sau hành trình thu thuế đầy gian nan những năm qua. Tuy nhiên, con số này còn khá nhỏ nhoi so với hàng trăm nền tảng xuyên biên giới đang hoạt động và “ăn nên làm ra” tại Việt Nam. Thế nên, thời gian tới, cơ quan quản lý thuế cũng đã có những kế hoạch nhằm lấp những “lỗ hổng”, siết chặt thu thuế đối với các đơn vị chưa tự nguyện.

Cạnh đó, Bộ TT-TT cũng đã đưa ra quyết tâm sự siết chặt quản lý để hạn chế đến mức tối thiểu những hệ lụy do hoạt động quảng cáo tràn lan từ các nhà cung cấp xuyên biên giới gây ra cho môi trường mạng và người dùng trong nước.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm khẳng định Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm các vi phạm. Thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp theo hướng ủng hộ, ưu tiên quảng cáo trên các nền tảng truyền thông số Việt Nam nói riêng và các nền tảng tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam nói chung. Các DN quảng cáo, các nhãn hàng quảng cáo càng lớn càng phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam, giữ gìn uy tín thương hiệu.

Đọc thêm